Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Bổ nhiệm lại 2 Thứ trưởng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các Quyết định bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cụ thể, tại Quyết định số 2189/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm lại ông Nguyễn Viết Tiến giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm lại có thời hạn bà Lê Thị Thủy giữ chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020

Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chiến lược nhằm xác lập địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính tập trung, thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra.

Bên cạnh đó, xây dựng ngành Thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược là kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan Thanh tra. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về tiếp công dân, xử lý sau thanh tra ở các cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương theo Luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan nhằm thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về tiếp công dân và về thanh tra.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thanh tra nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập; xác minh nguồn gốc tài sản có dấu hiệu bất minh và xem xét, làm rõ các hành vi tham nhũng; kiện toàn tổ chức thanh tra bộ, ngành theo quy định của pháp luật về thanh tra và các pháp luật chuyên ngành, khắc phục những hạn chế về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Học viện Thanh tra; đổi mới chương trình, nội dung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của ngành.

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, xây dựng các cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Đổi mới phương thức hoạt động

Nhiệm vụ, giải pháp khác của Chiến lược là đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra, trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thanh tra trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra, công khai kết quả, quyết định xử lý về thanh tra. Tập trung xem xét tính hợp pháp, chính xác của các kết luận thanh tra nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra lại hoặc kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định.

Đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập; các cơ quan thanh tra nhà nước chú trọng việc phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng các kiến nghị qua hoạt động thanh tra. Thanh tra các cấp chủ động thực hiện thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hoàn thiện và đẩy mạnh việc triển khai các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra theo hướng tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp xử lý trách nhiệm; cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của mọi tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Bổ sung vốn ODA cho các Bộ, địa phương

Thủ tướng Chính phủ vừa giao bổ sung danh mục và kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 cho các Bộ và địa phương.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số vốn, danh mục dự án giao cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương mức vốn cụ thể cho từng dự án.

Về nguyên tắc giao, Nhà nước chỉ bổ sung danh mục dự án ODA thuộc đối tượng cấp phát từ ngân sách trung ương và có nguồn vốn cấp của nhà tài trợ chưa giải ngân (bao gồm cả phần vốn ngân sách trung ương theo Hiệp định và quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền của các dự án ODA hỗn hợp). Trong đó, đối với dự án chuyển tiếp phải là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch các năm trước nhưng chưa giải ngân hết số vốn cam kết của nhà tài trợ. Còn đối với các dự án khởi công mới, chỉ bổ sung danh mục và kế hoạch năm 2015 cho dự án đã ký kết Hiệp định với các nhà tài trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.

Không bổ sung cho DA chưa ký kết Hiệp định

Số vốn ODA bổ sung kế hoạch năm 2015 cho từng dự án không vượt quá số vốn ODA cấp phát nguồn ngân sách trung ương theo quy định tại Hiệp định hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án và phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng cấp vốn của nhà tài trợ trong năm 2015; không bổ sung kế hoạch vốn năm 2015 cho các dự án chưa ký kết Hiệp định hoặc chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt; không thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách trung ương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn bố trí cho các dự án.

Xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức đầu tư, kinh doanh, sở hữu (BOO).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty TNHH Xuân Thiện, tỉnh Ninh Bình thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, lập báo cáo thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trên theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của nhà đầu tư (Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình), Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng đoạn Việt Trì - Lào Cai kết hợp với thủy điện khi hoàn thành sẽ tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội rất lớn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực đường bộ, đường sắt trên tuyến Hà Nội-Lào Cai.

Cũng theo báo cáo của Nhà đầu tư, dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội), góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng, thế mạnh của các địa phương dọc tuyến.

Ngoài ra dự án cũng đưa ra phương án xây dựng 3 hoặc 6 công trình đầu mối âu đập giao thông kết hợp với thủy điện, nạo vét luồng lạch đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai dài 288km. Nhà đầu tư cũng khẳng định dự án sẽ đảm bảo mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó ít ảnh hưởng ngập lụt, cũng như không ảnh hưởng đến môi trường và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng.

Đẩy nhanh GPMB đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ từ nguồn kinh phí GPMB còn dư của dự án đối với phần chênh lệch giữa kinh phí xây dựng khu tái định cư và kinh phí thu tiền sử dụng đất, tiền mua nhà của người dân được bố trí vào khu tái định cư, bảo đảm không vượt phần vốn đối ứng cho công tác GPMB của dự án đã được phê duyệt.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương liên quan xác định phần chênh lệch trên, bảo đảm đúng quy định và Kế hoạch hành động bồi thường, tái định cư của dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có liên quan chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo tiến độ dự án. Đối với những địa phương gặp khó khăn trong việc ứng vốn xây dựng khu tái định cư, Thủ tướng đồng ý Bộ Giao thông vận tải ứng vốn từ nguồn vốn GPMB của dự án để địa phương xây dựng khu tái định cư.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26 m, xây dựng 9 nút giao liên thông, 126 cầu các loại, 1 hầm đường bộ dài 540m và nhiều hạng mục khác. Toàn dự án có tổng mức đầu tư 1,472 tỷ USD.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối vận chuyển quốc tế qua hành lang Đông Tây, có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền Trung nói riêng và đất nước nói chung, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC) cho biết, hiện toàn tuyến còn vướng 67 điểm với chiều dài vướng 13,85 km chưa thể bàn giao để triển khai thi công. Trong đó, TP. Đà Nẵng: 0,71 km; tỉnh Quảng Nam: 8,09 km tập trung ở các huyện Điện Bàn, Phú Ninh và Núi Thành; tỉnh Quảng Ngãi: 5,05 km tập trung ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa.

Vướng mắc chủ yếu hiện nay là các khu tái định cư (TĐC) chưa hoàn thành hoặc chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng (điện, nước) để người dân có thể chuyển tới sinh sống. Toàn dự án hiện còn khoảng 11 khu TĐC chưa hoàn thành, trong đó: TP. Đà Nẵng còn 3 khu, tỉnh Quảng Nam còn 3 khu và tỉnh Quảng Ngãi còn 5 khu. Ngoài ra, việc lập phương án đền bù chậm chễ đối với 10 điểm còn tồn tại trên huyện Núi Thành, Quảng Nam cũng là một nguyên nhân địa phương chưa bàn giao 3,7 km cho nhà thầu thi công...

Do đó, để đáp ứng được tiến độ thông xe toàn dự án vào năm 2017, điều kiện tiên quyết là phải cấp đủ 800 tỉ đồng từ nay đến cuối năm 2015 và quý I năm 2016 là 700 tỉ đồng. Ngoài ra các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB để có thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vào cuối năm nay.

Chuyển mục đích sử dụng đất xây khu dân cư đô thị

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 354.696 m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất trên nhằm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị tại xã Tân Mỹ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Xây dựng văn bản quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý đề nghị của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước về việc xây dựng văn bản của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và các cơ quan liên quan, khẩn trương soạn thảo văn bản thay thế Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008; Quyết định 20/2012/QĐ-TTg ngày 22/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2016.

Luật Giáo dục năm 2005 quy định việc quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Điều 71).

Thực hiện quy định nêu trên, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư áp dụng cho cả hệ thống giáo dục đại học (Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 22/4/2012 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, đồng thời Quyết định thành lập Hội đồng chức danh giáo sư các nhiệm kỳ 2009 – 2014, 2014 – 2019).

Nội dung các quyết định này đã phản ánh đầy đủ những quy định cơ bản làm cơ sở pháp lý áp dụng trong việc xem xét, đánh giá đạt tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó có nhiều nội dung được cập nhật, chất lượng được nâng cao hơn so với các quy định ở giai đoạn trước. Thời gian qua, công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều vấn đề, nội dung trong các quyết định nêu trên còn có hạn chế, khái quát, chung chung, chưa cập nhật, thậm chí có khá nhiều các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể quan trọng không được đưa vào các quyết định này, nhưng lại được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ban hành.

Do vậy, việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật mới của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, toàn diện, đầy đủ về vấn đề này trên cơ sở tổng hợp, sửa đổi, bổ sung các quy định nêu tại các quyết định, văn bản hiện hành và cập nhật thực tiễn là cần thiết và cần sớm hoàn thành, không để kéo dài tình trạng có nhiều văn bản liên quan ở các cấp quy định cùng về vấn đề này.

Nguồn Văn phòng Chính phủ