Xuất cấp vắc xin, hóa chất cho 2 tỉnh phòng chống dịch
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin và hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh: Nam Định và Phú Yên để phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng.
Cụ thể, tỉnh Nam Định được xuất cấp 10.000 lít hóa chất sát trùng Han - Iodine để phòng chống dịch cúm gia cầm và 20 liều vắc xin LMLM 2 type. Tỉnh Phú Yên được xuất cấp 10.000 lít hóa chất sát trùng Bekocid để phòng chống dịch lở mồm long móng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh: Nam Định, Phú Yên tiếp nhận, quản lý và sử dụng số vắc xin, hóa chất nêu trên theo đúng quy định hiện hành.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, từ ngày 1/10/2015, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định. UBND Nam Định đã chỉ đạo chính quyền và các cơ quan chuyên ngành địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngày 16/10/2015, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn xã Hiển Khánh huyện Vụ Bản và xã Trực Phú huyện Trực Ninh.
Tại tỉnh Phú Yên, từ ngày 5/9/2015, dịch bệnh lở mồm long móng gia súc (LMLM) đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo chính quyền và các cơ quan chuyên ngành địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngày 22/10/2015, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định công bố dịch Lở mồm long móng trên đàn gia súc tại xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân.
Hiện nay tình hình dịch bệnh động vật tại 2 tỉnh trên diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan ra các địa phương khác là rất lớn. 2 tỉnh đã công văn đề nghị hỗ trợ vắc xin, hóa chất phòng, chống dịch.
Giải quyết chế độ đối với TNXP chiến đấu ở Ga Gôi, Nam Định
Thủ tướng Chính phủ đồng ý giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong (TNXP) tham gia phục vụ chiến đấu tại Ga Gôi (tỉnh Nam Định) ngày 20/8/1966 bị nhiễm chất độc do hóa chất phát nổ.
Cụ thể, các đối tượng trên sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần mức 5.000.000 đồng/người.
Không áp dụng đối với đối tượng đã được hưởng các chế độ sau: chế độ liệt sỹ, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Nguồn kinh phí thực hiện chế độ trên do ngân sách trung ương hỗ trợ 100% từ nguồn chi bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện.
UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện chế độ, bảo đảm chặt chẽ, chính xác, tránh phát sinh khiếu nại.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện chính sách trên.
Được biết, 17h30 phút ngày 20/8/1966, một tốp máy bay Mỹ bất ngờ ập đến trút bom vào đoàn tầu đầy hàng hoá đang đậu tại Ga núi Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Có lệnh báo động, tất cả hơn 100 thanh niên xung phong Đại đội 895 Thái Bình nhất loạt lao lên cứu hàng hoá trong tiếng gầm rú điên loạn của máy bay.
Bất chấp bom nổ, lửa thiêu, Đại đội 895 đã đưa hàng ngàn tấn gạo ra nơi an toàn. Khi vào cứu toa hoá chất cuối cùng, 12 chiến sỹ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh ngay tại trận địa, hàng trăm người bị nhiễm độc.
Điều chỉnh phương án cổ phần hóa DNNN tỉnh Gia Lai
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh phương án cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai.
Cụ thể, về thực hiện cổ phần hóa năm 2015, Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần, chọn thời điểm thích hợp để giảm tiếp phần vốn Nhà nước còn nắm giữ xuống dưới 50% Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Gia Lai; Nhà nước nắm giữ dưới 50% tổng số cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nêu trên theo quy định hiện hành; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, có cam kết bảo đảm cung cấp tốt nhất các dịch vụ công ích cho nhân dân; giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp.
Sắp xếp, đổi mới cty nông, lâm nghiệp tỉnh Long An, Quảng Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Long An và Quảng Nam.
Tại tỉnh Long An, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đồng Tháp I.
Duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đồng Tháp IV.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An có trách nhiệm thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định hiện hành.
Đồng thời rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ của từng công ty và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, khi thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy hoạch được duyệt của tỉnh và quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Long An xây dựng Phương án quản lý đối với diện tích đất các công ty không có nhu cầu sử dụng bàn giao về địa phương (nếu có); xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các quy định của pháp luật về đất đai.
Tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuyển công ty TNHH một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối đối với Công ty TNHH một thành viên nông - lâm nghiệp Quyết Thắng.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa Công ty nêu trên theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trước khi sắp xếp phải rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp; diện tích dự kiến giao cho doanh nghiệp thuê sau khi sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; chỉ đạo doanh nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, khi thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy hoạch được duyệt của tỉnh và quy định của pháp luật; xử lý dứt điểm diện tích đất cấp trùng.
Nguồn Văn phòng Chính phủ