Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường

“Nếu 200 năm trước, nhân loại biết được hậu quả của việc tăng nhiệt độ trên 2 độ lớn như thế nào thì chắc đã không thải ra lượng khí thải lớn như vậy, rừng, tài nguyên, khoáng sản chắc sẽ không bị huỷ hoại và tận thu như 200 năm qua”.

 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham quan
các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: VGP/Hoàng Long

Đây là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc với chủ đề "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" tổ chức ngày 2/12, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đây là lần đầu tiên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) tổ chức Hội nghị chuyên đề quy mô toàn quốc nhằm kết nối sức mạnh và vai trò của các tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo trong bảo vệ môi trường. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 196 quốc gia, tổ chức trên thế giới đang tập trung thảo luận ứng phó với biến đổi khí hậu tại hội nghị COP 21 tại Paris (Pháp).

Gần 500 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có đại diện của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo, nhiều cơ quan đại diện và tổ chức quốc tế dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nguồn nước, cuộc sống của nhân dân các nước trên thế giới. Đây là vấn đề của khu vực và toàn cầu, cần sự tham gia của cả cộng đồng bởi không một quốc gia riêng lẻ nào đủ sức giải quyết.

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách đúng đắn và nhân dân tích cực triển khai các chính sách ứng phó với BĐKH, có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, chúng ta đang đối mặt trực tiếp với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến từ việc khai thác vượt mức cho phép, không kiểm soát các loại tài nguyên, phát triển quá nhanh về nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: VGP/Hoàng Long

“Theo cảnh báo của một số chuyên gia về môi trường, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi. Nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, thì khi GDP tăng 1% nhưng những thiệt hại do môi trường bị tàn phá gây ra có thể lên đến 3%. Chính vì vậy, chúng ta phải vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, coi môi trường là mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hội nghị COP 21 đang diễn ra ở Paris nhằm tới hai mục tiêu cụ thể: Phấn đấu cuối thế kỷ này, nhiệt độ Trái đất tăng lên không quá 2 độ C so với 200 năm trước; huy động nguồn vốn quốc tế 100 tỉ USD để tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH đến môi trường.

Theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, Việt Nam cần khẳng định bên cạnh tập trung phát triển kinh tế thì cần phải quan tâm hơn bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả do BĐKH gây ra. Trong Chiến lược phát triển kinh-tế xã hội 2016-2020, Việt Nam đã coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hướng tới phục vụ người dân phát triển bền vững.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, các tôn giáo trên thế giới và Việt Nam đều lấy con người là trung tâm; các tôn chỉ hoạt động, giáo lý, giáo luật đều thể hiện mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bác ái, bao dung, hòa hợp, đoàn kết, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, hài hòa sinh thái, vươn tới cái chân-thiện-mỹ.

Cụ thể, vào tháng 5/2015, Đức Giáo hoàng Francis đã ban hành Thông điệp về “Chăm sóc ngôi nhà chung”. Cộng đồng Hồi giáo thế giới cũng đã có “Tuyên ngôn của đạo Hồi về BĐKH”. Mới đây, trước thềm Hội nghị COP 21 tại Paris, nhiều vị lãnh đạo Phật giáo các nước đã thống nhất ban hành Thông điệp Phật giáo về BĐKH…

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, chia sẻ trách nhiệm với xã hội và đất nước; tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Trên căn bản của những giáo lý yêu thương, với truyền thống sống “tốt đời đẹp đạo”, những năm qua, 14 tôn giáo ở Việt Nam với hơn 22 triệu chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, triển khai nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội, có vai trò quan trọng đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ảnh: VGP/Hoàng Long

Chính từ kết quả hoạt động thực tế của các cộng đồng tôn giáo, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng, qua hội nghị này, vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam sẽ được phát huy mạnh mẽ trong việc tham gia thực hiện các hoạt động, chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Đồng thời, đây là cơ hội tăng cường đoàn kết, gắn bó đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau hướng tới mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; các mô hình nhân dân phối hợp bảo vệ môi trường, tham gia ứng phó với BĐKH ở các địa phương, nhất là đối với các mô hình do đồng bào có đạo thực hiện…

Các đại biểu đã đề xuất các phương thức liên kết, phối hợp phù hợp của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngành tài nguyên và môi trường để hình thành phong trào: Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Tại hội nghị, các tôn giáo đã chia sẻ thông điệp liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Theo Thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: "Chúng tôi kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn".

Thông điệp của Cộng đồng Tin lành Việt Nam là: "Dừng ngay việc chặn phá rừng bừa bãi, thay đổi cách sống, từ việc ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt gia đình và nhiều thứ khác có ảnh hưởng đến việc hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi tường là bảo vệ sự sống của chính mình, của mọi người và bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta".

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH đã diễn ra như: Ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; thả chim hòa bình; diễu hành xe đạp xanh của học sinh, sinh viên và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên-Huế; hoạt động văn hóa văn nghệ và trưng bày các gian hàng giới thiệu một số nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương thân thiện với môi trường.

Nguồn chinhphu.vn