* Sự kiện
- Ngày 28-11-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”. Bài viết được đăng trên báo Nhân dân, số 2082, ký bút danh Trần Lực. Trong đó, Bác Hồ đã đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Bài báo nêu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc trồng cây đối với đất nước, từng gia đình và từng người dân và kết luận: “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Ngày 28-6-1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 28-11, ngày Bác viết bài báo trên là “Ngày lâm nghiệp Việt Nam”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ đó đến nay, mỗi khi xuân đến, nhân dân Việt Nam lại tổ chức “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây” đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế và quốc phòng, góp phần làm giàu đẹp cho Tổ quốc.
- Ngày 28-11-1959: Bác Hồ thăm Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập.Tại hội nghị, Bác điểm lại lịch sử phấn đấu anh dũng và những thắng lợi vẻ vang của Đảng trong suốt 30 năm lãnh đạo cách mạng. Trong nghiên cứu, học tập, Người nêu rõ: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự đào thải mình..." Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Người khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Đảng là "tiếp tục phấn đấu để xây dựng miền Bắc, tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà".
-Ngày 28-11-1965: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi quân dân Yên Bái có thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc nước ta.
- Ngày 28-11-1999: Tổ chức gắn lại biển lưu niệm Bác Hồ ở ngôi nhà số 9 ngõ Công - poanh (Pháp). Buổi lễ do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chính quyền thành phố Pari tổ chức, sau năm 1986, chủ sở hữu ngôi nhà số 9 phá bỏ nhà cũ để xây nhà mới. Trước đó vào năm 1983, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đã gắn biển di tích ngôi nhà số 9 này. Ngôi nhà nằm ở quận 17, Thủ đô Pari, nơi Bác Hồ đã sống 20 tháng, từ ngày 14-7-1921 đến ngày 14-3-1923. Thời gian ở đây, Người tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa”, một tổ chức yêu nước hoạt động hợp pháp ở Pari, và thành lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) - cơ quan ngôn luận của Hội. Đến ngày 14-3-1923, Người rời nhà số 9 ngõ Công - poanh, dọn đến số nhà 3 phố Mácsơ Đê Patơriacsơ, quận 5, Pari.
* Nhân vật
- Ngày 28-11-2013: Ngày mất nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sinh ngày 18- 11-1924, quê xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là một nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu hát bội nổi tiếng Việt Nam, nhà nghiên cứu hàng đầu về sân khấu truyền thống với nhiều công trình, đặc biệt về soạn giả Đào Tấn. Vũ Ngọc Liễn đã giành được Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2002. Năm 2006 và 2007, ông đoạt giải thưởng của Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định trao với bộ sách hoàn chỉnh: Đào Tấn qua thư tịch, gồm 3 tập, hơn 2 ngàn trang giấy với các phần: Đào Tấn - thơ và từ, Đào Tấn - tuồng hát bội, Đào Tấn - qua thư tịch. Năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Theo TTXVN