Con số trên tăng so với mức hiện tại trung bình 1.000 tỷ yen/năm, và Thủ tướng Abe sẽ công bố mức viện trợ trên tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức ở Paris (Pháp) ngày 30-11 tới. Theo ông Abe, việc tăng viện trợ này nhằm thúc đẩy các nước đang phát triển chủ động tham gia vào một cơ chế mới. Với khoản viện trợ này, Nhật Bản sẽ đóng góp hơn nữa vào sự phát triển như xây dựng nhà máy địa nhiệt, các hệ thống đường sắt, cũng như cơ sở hạ tầng nhằm giảm nguy cơ thảm hoạ tại các nước đang phát triển.
Viện trợ của Nhật Bản là một phần trong cam kết của các quốc gia công nghiệp hóa dành 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020, từ các nguồn lực của chính phủ và tư nhân, để giúp các quốc gia đang phát triển hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó với tình trạng lụt lội, các đợt nắng nóng và nước biển dâng cao.
Bên cạnh đó, Nhật Bản quyết định ủng hộ 1,5 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc để giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Liên quan đến khả năng đạt được một hiệp định mới tại Paris thay cho Nghị định thư Kyoto năm 1997, Thủ tướng Abe bày tỏ quyết tâm của Nhật Bản hợp tác với các quốc gia khác hướng tới một thoả thuận khung mới về lượng khí carbon phát thải.
Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản được công bố cùng ngày, lượng khí thải nhà kính trong tài khoá 2014 của nước này đã giảm 3% so với năm trước xuống 1,37 tỷ tấn, mức giảm đầu tiên trong 5 năm qua. Với việc các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản ngừng hoạt động từ năm ngoái đến tháng 3/2015 sau thảm hoạ động đất sóng thần năm 2011, số liệu trên cho thấy Nhật Bản có thể cắt giảm lượng khí thải mà không cần đến năng lượng hạt nhân. Bộ Môi trường Nhật Bản cho rằng sự sụt giảm lượng khí thải trên là nhờ tiến bộ đạt được trong các biện pháp tiết kiệm năng lượng và việc tăng cường sử dụng năng lượng tái chế.
Theo TTXVN