"Không hẳn nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi thì các em sẽ tốt hơn"
Một trong những nội dung mới đáng chú ý trong dự Luật là đề xuất mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi. Cụ thể, Điều 1 Dự thảo Luật quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.
Đồng tình với quy định nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, đại biểu (ĐB) Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Thị Hương Sen (đoàn Hải Dương), Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) cho rằng, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, đặc biệt từ 16 đến 18 tâm sinh lý phát triển biến động nhanh và cũng khó lường, vì vậy cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em và giảm thiểu nguy cơ khác. Đồng thời, cũng phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hoàn thành giáo dục phổ thông trung học.
Tuy nhiên, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị, cần phân tích làm rõ hơn cơ sở của việc nâng độ tuổi trẻ em trong sửa đổi luật lần này có ảnh hưởng đến khái niệm người lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động, đến quy định trong Bộ luật Hình sự về độ tuổi của người chưa thành niên chịu trách nhiệm hình sự, về độ tuổi bị xử lý vi phạm hành chính…
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). (Ảnh: TTXVN)
Đồng quan điểm ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng cho rằng cần cân nhắc, thận trọng trong việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Dẫn chứng trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm học đường, xuống cấp đạo đức của người chưa thành niên tăng lên gây bức xúc trong dư luận xã hội và lo lắng trong bậc phụ huynh, ĐB Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh: Để nhóm tuổi này trở lên tốt hơn thì các chính sách chăm sóc, bảo vệ, giáo dục cần được thực hiện tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, giáo dục trẻ vị thành viên có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội chứ không hẳn nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi thì các em sẽ tốt hơn.
Quyền trẻ em phải được thực hiện phù hợp với từng nhóm tuổi
Nói đến trẻ em là nói đến nguồn nhân lực của tương lai. Bảo vệ và chăm sóc trẻ em là tạo nguồn nhân lực trách nhiệm cao, tạo nên sự phát triển bền vững cho ngày mai. Vì vậy, các đại biểu thống nhất cho rằng trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục chăm sóc đặc biệt.
Theo đó, Luật đã quy định các quyền của trẻ em và cũng quy định các bổn phận của trẻ em. Tuy nhiên, theo ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Luật quy định còn chung chung, bổn phận chưa tương thích quyền, chưa thể hiện hết bổn phận của trẻ em, mới khẩu hiệu mang tính phong trào với đối tượng tham gia là trẻ em.
Đề cập đến tình trạng cha mẹ mải làm mà giao phó việc chăm sóc, giáo dục con cho người giúp việc, để trẻ em lớn lên trong sự cô đơn, không ít trẻ bị sang chấn tâm lý vì thiếu tình cảm, sự chăm sóc của bố mẹ, hay nhiều bố mẹ cho rằng trẻ em cần được giáo dục bằng các hình phạt về thể xác, ĐB Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh, đây là một thực tế đáng báo động và cần phải ngăn chặn trong Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang, một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng đầu tiên trong bảo vệ trẻ em là bảo đảm mọi trẻ em được sống, phát triển hài hòa, an toàn, lành mạnh. Thực tế xã hội hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều trường hợp cha mẹ, người thân trong gia đình, người khác lại đem quyền sống của trẻ em làm công cụ phục vụ lợi ích, mục đích riêng của mình nên nhiều trường hợp trẻ em bị tước đoạt quyền sống rất đau lòng và gây bức xúc lớn cho xã hội. Trên cơ sở này, đề nghị bổ sung hành vi: cấm cha mẹ, người thân, người khác tước đoạt quyền được sống của trẻ em, bổ sung trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh, đảm bảo sự phát triển hài hòa của trẻ em.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lưu ý: Dự thảo Luật quy định các quyền và bổn phận của trẻ em mà chưa quy định rõ theo từng nhóm tuổi sẽ giảm hiệu lực của Luật khi áp dụng vào đời sống./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam