Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Võ Văn Thưởng,Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh khu vực Tây Bắc; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đông đảo các doanh nghiệp du lịch lớn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm vùng Tây Bắc - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là hội nghị đầu tiên về xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Tây Bắc tại TP. Hồ Chí Minh, có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện khát vọng mang những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc xa xôi đến với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại trung tâm kinh tế năng động nhất của đất nước. Đồng thời còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm của TP. Hồ Chí Minh với Tây Bắc, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của du lịch Tây Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 12 khu du lịch quốc gia và 4 điểm du lịch quốc gia của vùng. Đây là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong phát triển du lịch và kết nối những điểm nhấn du lịch của vùng với mạng lưới du lịch, điểm du lịch của quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển nhanh và năng động, là điểm đến quốc tế quan trọng, trong đó có du lịch, dịch vụ rất phát triển, chiếm tỉ trọng cao trong GDP của Thành phố. Do vậy, hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Tây Bắc tại TP. Hồ Chí Minh để làm rõ tiềm năng, lợi thế và giới thiệu những cơ chế, chính sách ưu đãi, các dự án trọng điểm thu hút đầu tư phát triển du lịch tại các địa phương vùng Tây Bắc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối thoại và trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc.
Phó Thủ tướng khẳng định, hội nghị này đã mở ra một chương mới trong hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Bắc để “đánh thức” tiềm năng du lịch cho Tây Bắc phát triển. Theo đó, cần có chính sách đầu tư cho du lịch thông thoáng hơn, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các điểm du lịch đặc thù của địa phương để thu hút khách du lịch, các tỉnh xây dựng chiến lược thị trường và truyền thông ở địa phương mình, giữ gìn văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành để các doanh nghiệp đưa khách du lịch đến vùng Tây Bắc.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch cho khu vực này, các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện về vốn và hạ tầng giúp du lịch phát triển, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong vùng và rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa Tây Bắc và các vùng khác trong cả nước.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, cần có chiến lược và chính sách ưu tiên đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Cụ thể, ưu tiên đầu tư phát triển vào 12 khu vực quốc gia, 4 điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch Sa Pa đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển, bao gồm Cao nguyên đá Đồng Văn, thác Bản Giốc, Mẫu Sơn, hồ Ba Bể, Tân Trào, hồ Núi Cốc, Sa Pa, hồ Thác Bà, Đền Hùng, Mộc Châu, Điện Biên Phủ-Pá Khoang, hồ Hòa Bình và 4 điểm du lịch quốc gia gồm TP. Lào Cai, Pác Bó, TP. Lạng Sơn và Mai Châu.
Đầu tư hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ chế và giải pháp để huy động nguồn lực khổng lồ đầu tư cho phát triển hạ tầng vùng Tây Bắc; đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ với việc thu hút nguồn lực đầu tư cho du lịch Tây Bắc, đặc biệt là đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc.
Các giải pháp xúc tiến, quảng bá thu hút thị trường khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ tập trung vào các nội dung xúc tiến và quảng bá du lịch với truyền thông về cảnh quan hùng vĩ, núi non trùng điệp, bản sắc văn hóa đặc sắc, du lịch nông nghiệp sinh thái; tạo các kênh quảng bá, truyền thông về du lịch vùng Tây Bắc.
Đồng thời, xác định rõ vai trò của các bên trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển vùng Tây Bắc, gồm các bộ, như Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; sự tham gia tích cực và trách nhiệm của các tỉnh vùng Tây Bắc... Riêng với TP. Hồ Chí Minh, với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm du lịch hàng đầu cả nước cần đóng vai trò to lớn hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển du lịch cho vùng Tây Bắc thông qua việc khích lệ các doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm, đầu tư vào du lịch vùng Tây Bắc...
Nguồn www.chinhphu.vn