Tình hình thế giới và tác động đến Biển Đông – đó là chủ đề phiên thảo luận của Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 khai mạc ngày 23/11 tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Hội thảo thu hút trên 200 chuyên gia, học giả trong nước và nước ngoài tham dự.
Trên 200 chuyên gia, học giả trong nước, quốc tế tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế
về Biển Đông lần thứ 7
Đây là dịp các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đánh giá tình hình Biển Đông, đưa ra những dự báo, khuyến nghị chính sách để góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp, duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Biển Đông chỉ có thể yên bình khi tất cả các bên vì lợi ích của chính mình, tính đến lợi ích của tất cả các bên khác; khi tất cả các bên hành xử theo các khuôn khổ luật pháp và tập quán quốc tế được đa số các nước công nhận.
Trên nhiều diễn đàn song phương và đa phương, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là 2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế nêu bằng chứng về chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có mặt trong tấm bản đồ đầu tiên được xuất bản năm 1837 thời Vua Minh Mạng. Trong khi đó những bản đồ đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện những năm 1904-1905 và kể cả của nhà Thanh, của đại Thanh cũng như của các nước khác không hề có Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc bấy giờ Hải Nam là biên giới cuối cùng của Trung Quốc”.
Tại phiên thảo luận, tình hình Biển Đông đã được các diễn giả trao đổi từ các khía cạnh chính trị, ngoại giao tới pháp luật nhằm tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và hợp tác trên Biển Đông trên tinh thần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.
Tiến sỹ Patrick Cronin, Cố vấn và Giám đốc cấp cao Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ nói rằng: “An ninh không thể được đảm bảo khi một nước lớn, là Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng cách thay đổi trên thực địa, xây dựng đảo nhân tạo, sử dụng luật nội địa và lực lượng chức năng để đâm vào các tàu cá, bắt nạt các nước nhỏ hơn. Vì thế, Mỹ có vai trò đứng ra và nói rằng Trung Quốc và tất cả các quốc gia cần phải tham gia cuộc chơi một cách công bằng”.
Thời gian gần đây, tình hình đáng lo ngại là Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Nguy cơ Biển Đông trở thành một điểm nóng mới đe doạ an ninh hàng hải, hàng không và tự do thương mại thế giới ngày càng lớn.
Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, người nhiều năm theo dõi và đóng góp vào các hội thảo quốc tế về Biển Đông cho rằng: “Chúng ta và rất nhiều người mong muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách thoả đáng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các bên có liên quan, tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh hàng không, an ninh hàng hải như mọi người mong muốn. Nhưng mà phía Trung Quốc, có thể nói như thế này, họ đặt vào thế phải ngồi nói chuyện, đặt vào thế phải bàn về COC và các học giả của họ sang đây vẫn giữ lập trường của họ. Cho nên tất cả các học giả, tất cả các nước có liên quan, tất cả dư luận đều phải tập trung vào chuyện là tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Bên cạnh chương trình chính, hội thảo năm nay lần đầu tiên sẽ tổ chức Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ, tập hợp 9 nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sỹ từ 7 quốc gia với mục tiêu xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ về Biển Đông. Đây là diễn đàn thảo luận về các ý tưởng, các sáng kiến hợp tác mới vì hoà bình và phát triển ở Biển Đông.
Trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 là cơ hội để các học giả nghiên cứu Biển Đông hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin, đánh giá các diễn biến gần đây và những hệ luỵ, đồng thời thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Nguồn vov.vn