Thế giới trong tuần

1. Hội nghị Cấp cao ASEAN tai Malaysia-dự kiến vào ngày 22-11, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN- đánh dấu mốc quan trọng sau 48 năm hình thành, phát triển và liên kết của 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Sau hội nghị này, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời vào ngày 31-12-2015.

 
An ninh tại Pháp thực sự báo động, đặc biệt qua vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris ngày 13-11 vừa qua.

Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đánh dấu một bước trưởng thành trong quá trình phát triển của ASEAN, thể hiện quyết tâm, nhận thức chung của các nước ASEAN về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác và liên kết để tranh thủ những cơ hội mới; đồng thời ứng phó hiệu quả hơn các thách thức mới; là dịp để các nước ASEAN trao đổi với các nước đối tác những kết quả đạt được trong thời gian qua và những định hướng trong thời gian tới.

Cộng đồng ASEAN giờ đây chính thức gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội. Ở trụ cột kinh tế, ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một không gian sản xuất chung với gần 600 triệu dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế năng động, đồng đều và bổ trợ cho nhau giữa các nền kinh tế thành viên và toàn khu vực- một ASEAN dựa trên các nguyên tắc luật pháp, hướng tới người dân và coi người dân là trung tâm.

2. Các vụ khủng bố đẫm máu tại Thủ đô Paris của Pháp là “họa vô đơn chí” với Liên hiệp châu Âu (EU) trong bối cảnh châu lục này đang chật vật đối phó khủng hoảng nhập cư và các thách thức về kinh tế. Sau sự kiện tang tóc này, các thách thức về an ninh sẽ luôn là bài toán nan giải với cả châu Âu trong nhiều tháng tới.

Chừng nào lực lượng IS chưa bị “đào tận gốc, bốc tận rễ” thì chắc chắn người dân các nước EU vẫn ăn không ngon, ngủ không yên. Pháp tuyên bố trong tình trạng chiến tranh với chủ nghĩa khủng bố và đóng cửa toàn bộ biên giới. Giám đốc lực lượng cảnh sát các nước liên minh châu Âu Europol cũng cảnh báo châu Âu có thể phải đối mặt các cuộc tấn công mới từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cho biết những vụ tấn công khủng bố ở Paris hay vụ đánh bom trên chuyến bay của Nga ở Ai Cập cho thấy sự hoạt động của IS đang lan rộng sang châu Âu. Những vụ khủng bố được thực hiện bởi một mạng lưới tội phạm đa quốc gia và dưới hình thức ngày càng tinh vi.

Theo giới quan sát cho rằng, có thể các nước EU sẽ thay đổi chính sách nhập cư sau vụ khủng bố Paris. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định, một trong những nguyên nhân sâu xa của vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp vừa qua là do khủng hoảng kinh tế và các chính sách xã hội chưa bảo đảm đã tạo mầm mống cho các tư tưởng Hồi giáo cực đoan xâm nhập từ Trung Đông vào Pháp.

Các quốc gia châu Âu đã trải qua hơn nửa thế kỷ gắn kết, hợp tác, vượt qua nhiều biến cố lịch sử để phát triển. Những thách thức hiện nay một lần nữa là “lửa thử vàng” đối với tinh thần đoàn kết của đại gia đình EU.