Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10,
Quốc hội khoá XIII, sáng 18/11. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Hai ngày rưỡi trôi qua thật nhanh, nghe Quốc hội thực hiện cuộc chất vấn “chưa từng có tiền lệ” thật sướng tai, hài lòng, cho dù có lĩnh vực, có những bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chưa sát câu hỏi, còn vòng vo.
Song, nhìn tổng thể, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII với cách thức mới đã thành công. Phiên chất vấn mang tính chất tổng kết hoạt động chất vấn, một hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, tiệm cận với hoạt động nghị trường của Quốc hội các nước phát triển trên thế giới. Nhưng, quan trọng nhất, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội đã cơ bản thỏa mãn sự kỳ vọng, mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước. Bởi hàng loạt vấn đề nóng hổi nhất của đời sống chính trị - xã hội được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Thông qua phiên chất vấn, chúng ta không còn thấy khoảng cách giữa cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với người dân. Từ những vụ án cụ thể, gây oan sai cho công dân qua 10 năm, cho đến những vấn đề nóng hổi về trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn oan sai, hay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ con số biết nói “nhà máy 8.100 tỉ đồng thành đống sắt vụn ở Thái Nguyên”, đến trách nhiệm của chủ đầu tư, của Bộ Công Thương và hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí… Cùng với đó là hàng loạt vấn đề bức xúc của cử tri được đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ như: Vấn đề tồn tại trong cải cách giáo dục; vấn đề thất thoát trong quản lý tài sản nhà nước; vấn đề nợ xấu, nợ công, bẫy thu nhập trung bình; công tác cán bộ, tinh giản biên chế… và cả vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hoạt động chất vấn của các “ngôi sao nghị trường” được báo chí tiếp cận và truyền tải sôi nổi. Đó là việc các đại biểu phát hiện “số liệu nhảy múa” về diện tích trồng rừng thay thế dự án thủy điện có sự vênh nhau về số liệu giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đó là những khuyến nghị khẩn cấp gửi tới lãnh đạo Chính phủ cần ngăn chặn tình trạng các địa phương đang muốn “hoành tráng hóa” công sở tập trung, với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Đó là việc đại biểu Quốc hội dùng hình tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, để cảnh báo hiện tượng các quan chức muốn tranh thủ kiếm chác trước khi hạ cánh, với các “chuyến tàu vét”… Đó là việc Chủ tịch Quốc hội tham gia chất vấn với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, truy đến cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Với tinh thần quyết liệt đó, đại biểu Quốc hội và cử tri nhận mới thấy được lời thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thời gian qua, các cơ quan, đơn vị “vận dụng” việc phong hàm cho cán bộ cấp vụ, cục là không dựa vào quy định của Đảng và Nhà nước. Cũng qua chất vấn đến cùng, đại biểu Quốc hội nhận được lời hứa của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc cam kết sẽ nỗ lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ để chỉ đạo ngành thuế thu đúng, thu đủ “số nợ 34.000 tỉ đồng để bảo đảm sự thiếu hụt từ thu ngân sách nhà nước năm 2015”. Bộ trưởng Tư pháp cũng đã “xin nhận khuyết điểm” trước Quốc hội về việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, văn bản chậm lâu nhất là 7 tháng, sớm nhất là chậm 4 tháng...
Vì là lần đầu tiên tổ chức cách thức chất vấn kết hợp với thảo luận đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nên không tránh khỏi những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Nhưng, điều đáng ghi nhận và là bài học kinh nghiệm quý cho các nhiệm kỳ Quốc hội sau tiếp tục phát huy, đó là tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, truy đến cùng” trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Đó cũng là tinh thần mà cử tri và nhân dân ủy thác cho những người đại biểu của mình.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam