Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Giải pháp nào để nâng cao năng suất lao động?
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) gửi chất vấn đến Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Năng suất lao động là một trong những thước đo năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo nhận định của một tổ chức quốc tế thì năng suất lao động hiện nay của Việt Nam thấp so với khu vực. Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về năng suất lao động hiện nay? Giải pháp nào để nâng cao năng suất lao động Việt Nam hiện nay?”
Trả lời chất vấn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, từ năm 2005 – 2014, năng suất lao động ở Việt Nam tăng bình quân 3,7%/năm. Đây là một tín hiệu tích cực đáng mừng với nước ta.
Phó Thủ tướng phân tích, năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc vào 4 yếu tố lớn: Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; chất lượng lao động và hiệu quả sử dụng lao động; khoa học - công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ cho lao động; tổ chức, trình độ tổ chức quản lý lao động.
Từ những yếu tố trên, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, giải pháp đầu tiên là cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế để chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa những ngành có giá trị gia tăng cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ chế tạo, dịch vụ cao cấp. “GDP trong nông nghiệp Việt Nam chiếm 18% trong nền kinh tế nhưng lao động nông nghiệp chiếm trên 46%, chưa kể những người phụ thuộc vào nông nghiệp, nên năng suất lao động nông nghiệp thấp kéo theo năng suất lao động của chúng ta thấp” – Phó Thủ tướng nói.
Giải pháp tiếp theo là đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất với thiết bị tiên tiến, đặc biệt thay đổi công cụ sản xuất, nhất là trong nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề, bao gồm dạy nghề theo lứa tuổi, ở nông thôn, theo yêu cầu.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Để nâng cao năng suất lao động, cần phải quan tâm đúng mức đến mức sống tối thiểu và điều kiện làm việc của người lao động”.
Tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân
Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã gửi đến Phó Thủ tướng một câu hỏi: Cải cách thủ tục hành chính đã đem lại một số kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn tổ chức bộ máy kể cả Đảng, đoàn thể và bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều chức năng chồng chéo. Bên cạnh đó, biên chế không giảm được bao nhiêu, chất lượng phục vụ người dân mặc dù được ca ngợi rất nhiều, nhưng người dân vẫn kêu còn phiền hà. Nói như thế nhưng thực tế không phải như thế. Cho rằng, đây là những vấn đề rất bức xúc của cử tri, đại biểu chất vấn: “Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có trách nhiệm gì trong vấn đề này không? Các giải pháp để giải quyết tình trạng trên trong thời gian tới”.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là câu hỏi xác đáng. Theo Phó Thủ tướng, tổng quan chương trình cải cách hành chính thời gian qua đã có bước tiến bộ rất quan trọng, khá đồng bộ. Thể hiện trước hết ở sự công khai, minh bạch, tốt hơn, sát dân hơn, gần dân hơn, nghe ý kiến dân nhiều hơn của cả bộ máy. Đồng thời, môi trường kinh doanh có tiến bộ hơn, đặc biệt là thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ về đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...
Tuy vậy, Phó Thủ tướng thừa nhận: “Đúng là giữa lý thuyết và thực tế có khoảng cách, còn nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để cải cách thủ tục hành chính tốt hơn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã nêu.
Cụ thể, về biên chế, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tinh giản biên chế năm 2015 tại tất cả đơn vị hành chính và đơn vị công lập. Kết quả là đến ngày 30/10, đã có 12 bộ, 4 địa phương tinh giản biên chế hơn 3.300 người. Và hiện nay, một số tỉnh, thành lớn cũng đã đưa ra phương án giảm biên chế của địa phương mình.
Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính tự chủ đơn vị sự nghiệp công. “Số viên chức này rất lớn, trên 2 triệu người, chiếm trên 38% tổng quỹ lương, làm được khối này sẽ giảm rất lớn” – Phó Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn công khai, minh bạch chi quản lý hành chính, khoán chi, khoán biên chế. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện chính phủ điện tử ở các cấp chính quyền, thí điểm để tiến tới xây dựng triển khai các trung tâm hành chính công thay cho 1 cửa, 1 cửa liên thông để giao dịch hành chính giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước công khai, minh bạch, được giám sát.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao đạo đức công vụ, công chức, phải đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân, doanh nghiệp; luân chuyển, giám sát cán bộ trong một số lĩnh vực nhạy cảm. Tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong quá trình tiếp xúc với cán bộ, công chức.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị, nhân dân, doanh nghiệp, nhất là các tổ chức hiệp hội, các đại biểu dân cử phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc về giải quyết thủ tục và các vấn đề có liên quan.
“Với những giải pháp đồng bộ như vậy, chúng ta phấn đấu thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực bằng mức ASEAN - 4 như Thủ tướng đã công bố” – Phó Thủ tướng kết thúc phần trả lời chất vấn về nội dung này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam