APEC 23: “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”

Nhận lời mời của Tổng thống Phi-líp-pin (Philippines) Ben-ních-nô S. A-ki-no III (Benigno Aquino III), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ tham dự các hoạt động chính của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin từ ngày 17-19/11/2015.

 
APEC 23: “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 23 bao gồm: Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 23 diễn ra vào ngày 18-19/11/2015; Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra vào ngày 16-18/11/2015; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC vào ngày 18/11/2015.

Trước đó, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 27 diễn ra từ ngày 16-17/11; Hội nghị các quan chức cao cấp từ ngày 13-14/11; và Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC lần thứ 4 từ ngày 13-16/11.

Với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Hội nghị dự kiến sẽ tập trung vào các nội dung như: Tăng trưởng bền vững, bao trùm; Liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương; Tăng cường tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Cộng đồng bền vững và tự cường.

Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998, sự kiện đánh dấu bước triển khai quan trọng trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục coi APEC là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, nhằm phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương. APEC là diễn đàn hội tụ hầu hết các đối tác kinh tế, thương mại và chiến lược hàng đầu của Việt Nam, trong đó có bảy đối tác chiến lược (Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Singapore) và năm đối tác toàn diện (Mỹ, Australia, New Zealand, Malaysia và Chile).

Trong 17 năm qua, Việt Nam tích cực tham gia và đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC. Nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006 với việc tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14. Từ đó đến nay, Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới với hơn 90 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực như: Thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế- kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực, năng lượng, doanh nghiệp vừa và nhỏ.... Đáng chú ý, năm 2014, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực (9/2014) với sáng kiến và Kế hoạch hành động 2015-2018 về thúc đẩy việc làm chất lượng và tăng cường kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực.

Năm 2015, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của APEC, trong đó có 10 hội thảo, Đối thoại về hợp tác công tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển cảng khô; hệ thống quản lý năng lượng; tài chính cho năng lượng tái tạo; phát triển năng lượng gió; quản lý thiên tai dựa trên cộng đồng; yêu cầu nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng; nâng cao tính cạnh tranh của thị trường; an toàn vệ sinh thực phẩm trong phát triển thủy sản. Việt Nam đề xuất và được thông qua 13 dự án trong các lĩnh vực về liên kết Kinh tế chuỗi giá trị may mặc toàn cầu, kỹ năng đàm phán các hiệp định thương mại tự do..., năng lượng (năng lượng tái tạo, sạch, gió, sinh học), doanh nghiệp vừa và nhỏ, an toàn thực phẩm...

Đáng chú ý, năm 2014, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ sáu về phát triển nguồn nhân lực với sáng kiến về Kế hoạch hành động 2015–2018 về thúc đẩy việc làm chất lượng và tăng cường kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam cũng đã đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt trong APEC như Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009-2010 và Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012-2013.

Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong APEC và tích cực, chủ động chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017. Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã được thành lập tháng 7/2015 và các công tác chuẩn bị đã được thúc đẩy triển khai đồng bộ trên các mặt: nội dung, cơ sở vật chất, lễ tân, an ninh – y tế và tuyên truyền – văn hóa. Việt Nam đã tích cực tham vấn Ban Thư ký quốc tế APEC, các thành viên cùng các tổ chức quốc tế liên quan để xác định hướng chủ đề ưu tiên của năm 2017; xúc tiến công tác chuẩn bị, đặc biệt là từng bước xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu của Năm APEC 2017, hình thành một lực lượng nòng cốt cho công tác hội nhập quốc tế của nước ta trong thời kỳ mới.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này, nhằm chủ động đóng góp vào các nội dung quan trọng của Hội nghị, nhất là những vấn đề liên quan đến liên kết kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, an ninh lương thực, các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ…; phát huy vai trò tích cực của APEC và chủ động đăng cai APEC 2017; thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Phi-líp-pin và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam