Chính phủ đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Quốc hội

“Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 16/11.

Sáng 16/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII bắt đầu phiên chất vấn với nhiều đổi mới. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đối tượng chất vấn của đại biểu trong kỳ họp này rất rộng. Mục đích của phiên chất vấn là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện như thế nào, đã tốt chưa?. Xem xét lại còn những tồn tại gì mà đất nước, bộ máy nhà nước cần làm tốt hơn nữa?...

Nhấn mạnh đây là phiên họp mà cử tri cả nước chờ đợi, cũng là dịp nhìn lại cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát, chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội, các vị được chất vấn nhìn thẳng vào sự thật, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn. “Mục đích cuối cùng của phiên chất vấn không phải là làm căng thẳng vấn đề mà để nhìn thẳng vào sự thật, từ đó giải quyết vấn đề cho tốt để cử tri cả nước theo dõi và thấy được hoạt động của Quốc hội là thiết thực” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc
thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề,
hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. (Ảnh: TTXVN)

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Báo cáo cho thấy, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nợ công vẫn trong giới hạn quy định

Trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ, các Bộ, ngành triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; tập trung cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đã sắp xếp 464 DNNN, trong đó cổ phần hóa 404 doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,5% năm 2015. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Thực hiện Chiến lược Biển, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Trong lĩnh vực tài chính, thực hiện các giải pháp bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra. Hiện đại hoá công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan. Đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế; trên 98% các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng; 80% doanh nghiệp đã nộp thuế theo phương thức điện tử; trên 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử.

Đồng thời thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý nợ công. Chỉ sử dụng nợ công cho đầu tư phát triển. Việc điều hành vay và trả nợ thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm được phê duyệt. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định...

Trong lĩnh vực Công thương, thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, than, điện gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Thực hiện thị trường phát điện và bán điện cạnh tranh; xóa độc quyền trong kinh doanh xăng dầu; xóa bao cấp giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước từ quý IV/2012 và cho sản xuất điện từ tháng 4/2014...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao...

Cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn...

Ưu tiên cho giáo dục, y tế

Trong lĩnh vực Y tế, Chính phủ đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi ngân sách nhà nước (7,6% nếu tính cả trái phiếu Chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công - tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở...

Mặt khác, ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

Trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, báo cáo cho thấy giai đoạn 2011 - 2015, đã dành 20% tổng chi NSNN cho giáo dục đào tạo, trong đó giáo dục tiểu học chiếm 33%, trung học cơ sở chiếm 22%. Lồng ghép các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án đầu tư khác cho giáo dục.

Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được triển khai. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, chú trọng liên thông giữa các cấp học, trình độ, hình thức giáo dục, đào tạo. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Đó là, chất lượng khám, chữa bệnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương chưa được khắc phục căn bản. Việc thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, quản lý và đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn bất cập. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết, kê khai giá theo quy định. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.

Giáo dục đại học, đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng chậm được cải thiện. Việc sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng...

Tinh giản biên chế còn khó khăn

Theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực nội vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được sắp xếp, kiện toàn, cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan chuyên môn ở địa phương được giữ ổn định. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quản lý chặt chẽ biên chế công chức, kể cả biên chế dự phòng và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm. Thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập; thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số cơ sở giáo dục đại học công lập.

Tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan tăng do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ; gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, ngành. Việc tăng số lượng cấp phó các đơn vị thuộc một số Bộ, ngành chủ yếu do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng. Số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương sẽ giảm trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Triển khai các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ban hành 47 tiêu chuẩn ngạch công chức, 21 bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển và quản lý công chức.

Mặt khác, tích cực triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính. Triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại tại 50% đơn vị cấp huyện; thí điểm tổ chức trung tâm hành chính công ở một số địa phương...

Thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết còn tồn tại trong lĩnh vực nội vụ, Phó Thủ tướng cho biết tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm; tinh giản biên chế còn khó khăn. Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.

Ngoài các lĩnh vực trên, báo cáo cũng đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong các lĩnh vực như Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Giao thông vận tải...

Kết thúc phần báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam