Dấu ấn “quyền lực mềm” nghiên cứu khoa học

Ba nữ nhà giáo - nhà khoa học trẻ vừa được trao giải thưởng L’Oreal vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học năm 2015.

 Đó là: Bác sỹ chuyên khoa II TS Hồ Phạm Thục Lan - Giảng viên Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; TS Phạm Kim Trang - Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN); PGS.TS Nguyễn Lan Hương - Giảng viên Trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội.

Vinh danh bởi các nghiên cứu về loãng xương

BS Hồ Phạm Thục Lan được vinh danh qua các nghiên cứu trong 7 năm qua về ảnh hưởng của các yếu tố gene và môi trường đến loãng xương. Nhóm nghiên cứu của BS Thục Lan đã thực hiện nhiều nghiên cứu quy mô và đã đạt những kết quả khả quan trong chẩn đoán loãng xương: thông qua việc xây dựng được giá trị tham chiếu cho riêng người Việt và trong chẩn đoán gãy xương cột sống thông qua việc xây dựng giá trị tham chiếu kích thước đốt sống cho người Việt.

BS Hồ Phạm Thục Lan

Những phát hiện mới từ quá trình nghiên cứu của BS Thục Lan đã giúp mở ra nhận thức mới về ảnh hưởng của thành phần cơ thể đến mật độ xương, đặc biệt cho thấy phát triển khối lượng cơ bắp hoặc tăng cường hoạt động thể chất chính là một biện pháp quan trọng trong thực hành lâm sàng giúp ngăn ngừa mất xương và loãng xương trong cộng đồng.

Nghiên cứu này cũng đã giúp mang đến hiểu biết đúng đắn về chế độ ăn chay và loãng xương khi nghiên cứu của nhóm cho thấy không có sự khác biệt về mật độ xương cũng như tình trạng mất xương giữa hai nhóm ăn chay và ăn mặn

Các nghiên cứu của nhóm đã có những đóng góp quan trọng trong việc đánh giá tình trạng thiếu hụt Vitamin D phổ biến trong cộng đồng, không phân biệt vĩ độ địa lý và tình trạng thoái hoá xương khớp: thoái hóa khớp với các hệ quả nghiêm trọng của bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó nhóm của BS Thục Lan đã đóng góp vào việc xây dựng chuẩn béo phì cho người châu Á.

Lý giải con đường hình thành thạch tín trong nước ngầm

TS Phạm Thị Kim Trang được Hội đồng Khoa học bình chọn cho nghiên cứu đánh giá vấn đề ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm và tác động đến sức khỏe của con người. Đề tài nghiên cứu của TS Kim Trang tập trung nghiên cứu vào thạch tín là nguyên tố có độc tính rất cao, có liên quan tới một số bệnh ung thư và gây nguy cơ tác động xấu tới sức khỏe người dân bị phơi nhiễm thạch tín trong nước ăn uống.

TS Phạm Thị Kim Trang

Nghiên cứu của TS Kim Trang đã góp phần lý giải con đường hình thành thạch tín trong nước ngầm, cho thấy sự có mặt của thạch tín trong các tầng chứa nước Holocen và Pleistocen có thể chịu tác động từ việc khai thác nước ngầm quy mô lớn, đặc biệt là xây dựng được bản đồ ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm tầng nông Holocen trong các giếng khoan tại khu vực đồng bằng sông Hồng.

Công trình nghiên cứu của TS Phạm Thị Kim Trang đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành Quốc tế có uy tín như: Nature, Nature Geoscience… trong 3 năm qua và được đánh giá là có giá trị trong lĩnh vực môi trường với các giải pháp cho thấy bể lọc cát có thể sử dụng để loại bỏ thạch tín trong nước.

Phát hiện mới về ảnh hưởng kim loại nặng đến sức khoẻ con người

PGS.TS Nguyễn Lan Hương được đề cử và bình chọn cho giải thưởng Nhà Khoa học nữ năm 2015 L’Oreal For Women in Science với những phát hiện về ảnh hưởng xấu của ô nhiễm kim loại nặng trong đất gây ra cho môi trường và đặc biệt đến sức khỏe con người.

PGS.TS Nguyễn Lan Hương

Một trong các kết quả nghiên cứu của PGS TS Nguyễn Lan Hương đã chỉ ra rằng các kim loại nặng như Cadimium (Cd) là một trong những nguyên tố có độ độc khá cao, khi tích lũy với hàm lượng lớn trong cơ thể người và động vật sẽ gây bệnh về thận, ngoài ra còn gây bệnh mềm xương, bệnh áp huyết cao và bệnh tim mạnh hay Chì (Pb) là một trong những nguyên tố độc nhất trong tự nhiên trên trái đất.

Với nồng độ chì (Pb) cao tích tụ trong cơ thể sẽ có thể gây ra các bệnh về trí não và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.Ngoài ra, khi nồng độ chì (Pb) trong cơ thể người quá cao cũng gây ra các bệnh về thận.

Những phát hiện mới trong nghiên cứu của PGS TS Nguyễn Lan Hương đã chỉ ra rằng hàm lượng kim loại nặng trong nước tưới tỷ lệ thuận với hàm lượng kim loại nặng trong đất nông nghiệp. Từ đó nghiên cứu cũng đã đề xuất giải pháp làm giảm thiểu sự tích lũy kim loại nặng trong đất nông nghiệp cho các vùng ngoại thành Hà Nội.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại