Báo cáo tổng kết thực hiện chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2011-2016, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh quá trình thực hiện các nhiệm vụ CCTP trong nhiệm kỳ đã bám sát mục tiêu Chiến lược CCTP, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò CCTP trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đầy đủ và sâu sắc hơn. Việc thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ CCTP được chỉ đạo quyết liệt, tập trung, hiệu quả. Hiến pháp 2013 và 9 đạo luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được ban hành sau khi Hiến pháp có hiệu lực đã hoàn thiện một bước căn bản hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp theo chủ trương CCTP của Đảng.
Một trong những kết quả nổi bật của CCTP là Hiến pháp xác định rõ TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tổ chức TAND theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; việc cụ thể hóa mô hình tố tụng theo hướng kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng, lấy kết quả tranh tụng làm cơ sở phán quyết của tòa án là thể hiện xu hướng tiến đến cách thức tổ chức của nền tư pháp hiện đại, góp phần tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Công tác giám sát của cơ quan dân cử và của nhân dân được tăng cường.
Dưới tác động của CCTP, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt giam giữ, cải tạo từng bước được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn, hạn chế được tình trạng oan sai.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện Chiến lược CCTP còn một số hạn chế như: Tư tưởng chậm đổi mới tư duy về tư pháp và CCTP vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc triển khai một số nhiệm vụ CCTP chưa đồng bộ, chưa theo đúng lộ trình đề ra.
Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong điều kiện hội nhập. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tuy được cải thiện nhưng vẫn còn một số sai sót, hạn chế, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận; hoạt động giám sát chưa được thực hiện rộng khắp, có nền nếp…
Ban Chỉ đạo đề xuất chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016-2020 như sau: Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp mà chưa được triển khai; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp của TAND; khẩn trương quán triệt, hướng dẫn triển khai thi hành các luật, bộ luật về tổ chức, hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Hoàn thiện rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp; hoàn thiện chế định luật sư và bổ trợ tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp...
Góp ý dự thảo Báo cáo, các ý kiến cho rằng báo cáo đã phản ánh khá toàn diện, đầy đủ về kết quả công tác tư pháp 5 năm qua. Đồng thời, khẳng định kết quả lớn nhất 5 năm qua là nhận thức trong Đảng, trong nhân dân về vị trí, vai trò của công tác CCTP đã có chuyển biến rõ rệt, mạnh mẽ; bám sát vào cương lĩnh của Đảng, tinh thần Hiến pháp năm 2013. Đội ngũ cán bộ tư pháp thay đổi căn bản về chất và lượng; tính hội nhập được nâng lên.
Chủ trì phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục tiếp thu ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 12 tới.
Nguồn www.chinhphu.vn