Nhà nước tôn trọng và đảm bảo công dân, tổ chức Việt Nam có quyền lập hội

Chiều 12/11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật về hội; thảo luận về dự thảo Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng.

 
Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật về hội; thảo luận về dựthảo
Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng.
(Ảnh Mạnh Hùng)

Tờ trình dự thảo Luật về Hội khẳng định, Nhà nước tôn trọng và đảm bảo công dân, tổ chức Việt Nam có quyền lập hội. Nhưng nghiêm cấm cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối dại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân.

Cũng theo Tờ trình, quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Đến nay, các hội ở nước ta phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau. Về cơ bản, mô hình tổ chức và hoạt động của các hội là phù hợp với quy mô, tính chất, vai trò của từng hội. Nhiều hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, có đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý nhà nước về hội và tình hình tổ chức, hoạt động của hội còn có những bất cập. Do đó, việc xây dựng Luật về hội là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội.

Trong Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về các vấn đề lớn như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; chính sách đối với hội; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập hội; công nhận chức danh người đứng đầu hội; về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội.

Theo Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật về hội. Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ trình 2 phương án. Phương án 1: Dự thảo Luật không áp dụng đối với các hội không có tư cách pháp nhân nhưng cần có quy định nguyên tắc để đảm bảo quyền lập hội của công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Phương án 2: Dự thảo Luật áp dụng đối với các hội không có tư cách pháp nhân. Chính phủ đề nghị thực hiện theo Phương án 1.

Dự thảo cũng quy định, người nước ngoài đang sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định ngay trong Luật mà không giao Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ, phải làm rõ người nước ngoài được tham gia hội của công dân Việt Nam hay chỉ tham gia hội của người nước ngoài được thành lập tại Việt Nam hoặc hội được thành lập ở nước ngoài và được phép hoạt động tại Việt Nam.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật về hội. Đồng tình với quan điểm, yêu cầu xây dựng tại dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra cho rằng, Luật phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, hạn chế bao cấp, trông chờ ngân sách Nhà nước.

Góp ý dự thảo Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, đa số ý kiến nhất trí cho rằng cần thiết ban hành Luật để phù hợp với Hiến pháp, thẩm quyền của Quốc hội, quy định về hệ thống hàm, cấp của quân nhân chuyên nghiệp. Về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất, đa số ý kiến tán thành nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp như trong dự thảo luật theo cấp bậc quân hàm là: Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn trường hợp kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi nhưng đang đảm nhiệm những vị trí mà chưa thể thay thế được. Đối với trường hợp quân nhân chuyên nghiệp là chiến đấu viên, đặc công, thợ lặn, tiêu binh danh dự…cần có chính sách quan tâm đặc biệt. Nếu không bố trí được vào các chức danh khác và chưa đủ điều kiện nghỉ hưu cần có chính sách đặc biệt tránh thiệt thòi cho những đối tượng này.

Theo chương trình, sáng mai (13/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và dựthảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam