Quản lý đất tại các nông, lâm trường quốc doanh còn lúng túng, thiếu hiệu quả

Người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, trong khi nông, lâm trường sử dụng đất kém hiệu quả là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đi sâu phân tích tại hội trường Quốc hội.

 
Đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An). Ảnh: KT

Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014.

Giao đất rừng cho người thành phố?

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước trình bày đã cho thấy việc quản lý đất tại các nông, lâm trường quốc doanh đang lúng túng, thiếu hiệu quả.

Trong đó, vấn đề người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, trong khi nông, lâm trường sử dụng đất kém hiệu quả được nhiều đại biểu đi sâu phân tích.

Nói về vấn đề người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) nêu rõ, trong 20 tỉnh, thành phố được giám sát thì có 15 tỉnh đã thống kê được thực trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không có tình trạng người dân thiếu đất ở, đất sản xuất; có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh không thấy thống kê về thực trạng này.

Theo đại biểu, từ năm 2004 - 2014, một số địa phương đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhưng cũng có những địa phương vẫn thiếu đất ở, đất sản xuất lớn. Đại biểu dẫn chứng: Tại Yên Bái năm 2014 vẫn có 9.799 hộ thiếu đất sản xuất, đất ở; tại Thái Nguyên năm 2004 có 2.699 hộ thiếu đất sản xuất, đất ở thì đến 2014 lại tăng lên 10.265 hộ... Đại biểu khẳng định tình trạng trên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong khi đó, tại các nông, lâm trường, các dự án khoáng sản, trồng rừng, thủy điện được bố trí phần diện tích rất lớn nhưng lại sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích.

Thực tế khác được đại biểu đưa ra là phía lâm trường không khoán đất cho người dân ở địa phương mà giao cho người dân nơi khác quản lý, trong khi người dân bản địa thiếu đất sản xuất trầm trọng.

“Thiếu đất sản xuất, đất ở làm đời sống người dân càng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khó giảm. Cuộc sống quá khó khăn sẽ làm cho người dân đi lấn chiếm đất của các công ty, các nông trường, của chính quyền. Vì vậy, tại các địa phương này thường xảy ra tranh chấp đất đai giữa người dân với công ty, nông, lâm trường” - đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cũng bày tỏ rất trăn trở với vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa các nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp với người dân và địa phương. Nhìn nhận nguyên nhân của thực trạng là do nhiều yếu tố, song đại biểu nhấn mạnh chủ yếu là do người dân sở tại thiếu đất canh tác trong khi nông, lâm trường sở hữu nhiều nhưng sử dụng không hiệu quả và do buông lỏng quản lý...

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) phản ánh thực trạng giao khoán đất cho người giàu, người ở thành phố, những đối tượng không trực tiếp sản xuất đang ở tình trạng không kiểm soát được. Trong khi đó, có tới 160.000 hộ dân thiếu đất sản xuất, diện tích đất giao cho dân là đất xấu, đất ở xa khu dân cư, đất khó canh tác. “Thực tế bức xúc này đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân và các chủ rừng..., đòi hỏi phải thẳng thắn nhìn nhận để giải quyết” – đại biểu phát biểu.

Từ thực trạng trên, các đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần rà soát chính sách trên cả nước nói chung và tại các tỉnh, thành nói riêng để tổng hợp tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, cần rà soát lại quỹ đất của các địa phương chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả và kiên quyết thu hồi lại những đất này. Cần xử nghiêm những cá nhân, địa phương, công ty sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả...

Quá chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường ở các địa phương là một trong những hạn chế lớn trong việc quản lý đất nông, lâm trường được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phát biểu của mình.

Nhìn nhận vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đáng quan tâm nhất, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) lo lắng trước tỷ lệ 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ngoài ra nhiều nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi được sắp xếp lại theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau khi sắp xếp lại đã chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi chế độ sử dụng và thu hẹp quy mô đất đai, nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn một số nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có diện tích cấp lớn hơn diện tích hiện nay đang quản lý, sử dụng, do hồ sơ giao đất không sát thực tế (giao chồng lấn vào diện tích đất của dân đang sử dụng).

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) kiến nghị, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường với việc cấp chậm, cấp không đo đạc, không cắm mốc địa giới... “Đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến quản lý đất đai bị buông lỏng như hiện nay không? Có cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm hay không?” – đại biểu hỏi.

Một số ý kiến khác đề nghị, Chính phủ bố trí 1.015 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương trong năm 2015 và 2016 để hỗ trợ các địa phương bảo đảm thực hiện kế hoạch đo đạc, cắm mốc giới, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Đồng thời, quan tâm cân đối, tăng tỷ lệ hỗ trợ từ Trung ương đối với các địa phương không tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách (cũng là các địa phương có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn) để thực hiện việc xác định, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ban quản lý rừng và các công ty nông, lâm nghiệp khác.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

Nguồn chinhphu.vn