* Sự kiện
- Ngày 7-11-1946: trên Báo Cứu Quốc, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.-
- Ngày 7-11-1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang” gửi cho Báo Pravda (Sự Thật) của Liên Xô, đăng trên báo Nhân dân, số 3148. Người nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng đó đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công- nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình. Thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập. Thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc. Thời đại suy sụp và tan rã chủ nghĩa đế quốc, thực dân, thời đại mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới”.
- Ngày 7-11-2003: Nhã nhạc cung đình Huế trở thành Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vào ngày này, tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp), Tổng Giám đốc UNESCO đã công bố Nhã nhạc cung đình Huế là một trong 28 kiệt tác được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhã nhạc cung đình ở nước ta có tuổi đời gần một nghìn năm, manh nha từ thời Lý, định hình ở thời Trần, tồn tại ở thời Lê và phát triển ở thời Nguyễn. Đây là loại hình âm nhạc chính thống được sử dụng trong các cuộc tế, lễ của các triều đình quân chủ ở Việt Nam.
- Ngày 7-11-2006: tại Tokyo (Nhật Bản), Nhật Hoàng Akihitô trao tặng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải Huân chương Mặt trời mọc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, Nhật Hoàng trực tiếp trao tặng Huân chương Mặt trời mọc - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Nhật Bản dành tặng các cựu Thủ tướng nước ngoài. Huân chương "Mặt Trời mọc", tượng trưng cho những tia sáng đang tỏa ra từ Mặt Trời buổi bình minh, do Hoàng đế Minh Trị đề ra năm 1875 dành tặng những cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển của Nhật Bản. Việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được trao tặng Huân chương "Mặt Trời mọc" thể hiện sự ghi nhận của Nhật Bản đối với những đóng góp to lớn của ông trong việc phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.
- Ngày 7-11-2006: Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc WTO Paxcan Lami ký Nghị định thư WT/ACC/VNM/48 về việc Việt Nam gia nhập WTO với sự nhất trí của toàn thể 149 thành viên WTO.
* Nhân vật
- Ngày 7-11-1968: Ngày mất Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7-5-1909, tại Quy Nhơn, Bình Định. Ông nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội khoá II, III.Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới với 80 bài nghiên cứu về bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ... Ông còn có nhiều công sức khai thác và xây dựng nền y học dân tộc, kết hợp Đông - Tây y để điều trị nhiều bệnh thu được kết quả tốt. Ông là tác giả nhiều sách về y học viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Ngay sau ngày đất nước thống nhất tên ông đã được trân trọng chọn đặt cho một con đường lớn ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và một bệnh viện chống lao. Ngày 10-10-2008, một ngôi trường Đại học Y khoa mang tên Phạm Ngọc Thạch cũng đã được khai giảng niên khoá đầu tiên. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1958 và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
Theo TTXVN