Về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 179), Dự thảo Bộ luật quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số điều tra phải được ghi âm, ghi hình".
Cho ý kiến vào nội dung này, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.
Thực tế cho thấy, điều tra các vụ án, hoạt động hỏi cung không chỉ diễn ra một lần mà trải qua nhiều lần khác nhau, với nhiều bị can khác nhau mà khi nào cũng phải làm thủ tục nêu trên thì mất quá nhiều thời gian; gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ điều tra vụ án, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cần phải khẩn trương hỏi cung để truy bắt đối tượng liên quan khác.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị giải thích, làm rõ thêm trong Dự thảo: Mỗi lần hỏi cung là một lần ghi âm, ghi hình, hay chỉ ghi một lần khi cần thiết. Nếu mỗi lần hỏi là một lần ghi thì có khả thi không, vì thực tế việc điều tra một vụ án ít nhất thường có 5 bản cung?. Việc sử dụng băng ghi âm, ghi hình này như thế nào, khi chuyển hồ sơ sang Tòa thì có gửi kèm như một chứng cứ trong hồ sơ không?.
Bên cạnh đó, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đặt vấn đề: Cơ quan điều tra không ghi âm, ghi hình khi hỏi cung thì bị xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, vậy hậu quả pháp lý như thế nào? “Tòa án có quyền tuyên, hủy kết quả điều tra hay không, đề nghị quy định rõ trong Luật”, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh nói.
ĐB cũng tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, có biện pháp nào để loại trừ trường hợp thực tế có thể xảy ra là hỏi bị can, bị cáo ở ngoài phòng có ghi âm, ghi hình, hỏi xong rồi đưa vào phòng có ghi âm, ghi hình vì thực tế nhiều trại giam chỉ có 5-7 phòng lấy cung.
Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), dự thảo quy định theo hướng mọi trường hợp hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đều phải ghi âm, ghi hình là không cần thiết và không khả thi. Bởi, hoạt động phạm tội trên thực tế rất đa dạng, khác nhau về quy mô, mức độ nghiêm trọng; lượng tài liệu, chứng cứ thu thập được; thái độ khai báo của đối tượng nghi can… nên không cần thiết phải ghi âm ghi hình trong mọi trường hợp. Ví dụ, trường hợp phạm pháp quả tang, đơn giản, người phạm tội đã nhận tội … thì không cần thiết ghi âm, ghi hình.
Mặt khác, với điều kiện hiện nay, nếu phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp thì lượng kinh phí phải bỏ ra để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, kho bảo quản … là rất lớn.
Thực tiễn thời gian qua, nguyên nhân để xảy ra bức cung, nhục hình chủ yếu do trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của điều tra viên. Để hạn chế tình trạng này, ĐB Xuyền cho rằng, quan trọng là phải tăng cường công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động của điều tra viên, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tố tụng.
Từ những phân tích trên, ĐB Bùi Văn Xuyền đề nghị, cần điều chỉnh theo hướng giới hạn các trường hợp tiến hành ghi âm, ghi hình như: bị cáo kêu oan ngay từ đầu; bị can có đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình; bị can bị truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình; bị can, bị cáo là người có quốc tịch nước ngoài; bị can trong các vụ án do Hội đồng xét xử Hủy án để điều tra lại.
ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cũng đặt vấn đề: Việc khai thác băng đĩa ghi âm như thế nào? Có được coi là tài liệu mật không. Theo ĐB Dân, chỉ nên ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội.
Đồng tình về việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt, ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, trên thực tế, không thể tách hoạt động của người bị hại, người tố giác với đối tượng khác có liên quan, bởi có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư những người khác khi cũng bị áp dụng biện pháp này. “Cần quy định chặt chẽ việc giám sát các biện pháp áp dụng điều tra đặc biệt”, ĐB Khánh nói./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam