Liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) 1994 có 3 Điều (Điều 5, 8 và 10) chưa được cụ thể hóa bằng các văn kiện của WTO. Chính vì vậy, WTO đã tiến hành đàm phán một văn kiện bổ sung có tên: Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (Hiệp định TF) để đưa vào Phụ lục 1A của Hiệp định WTO. Hiệp định TF sẽ được đưa vào thực hiện thông qua Nghị định thư sửa đổi này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo về đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi
Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới. (Ảnh: TTXVN)
Đề cập đến sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi thể hiện rõ Việt Nam hoàn toàn chủ động, tích cực và là thành viên có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Hiệp định TF đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế, do đó khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VCU), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)...
Nghị định thư sửa đổi được phê chuẩn kịp thời sẽ là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam thông báo với WTO, với mọi Thành viên và các đối tác hỗ trợ tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10 được tổ chức tại Nairobi – Kenya vào tháng 12 năm 2015 (đây là sự kiện quan trọng nhất trong các hoạt động thường xuyên của WTO).
Về nội dung của Nghị định thư sửa đổi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: Nghị định thư sửa đổi được thông qua theo Quyết định của Đại Hội đồng WTO ngày 28 tháng 11 năm 2014 (văn bản số WT/L/940) nhằm bổ sung Hiệp định TF vào Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.
Sau khi Nghị định thư sửa đổi có hiệu lực, Hiệp định TF sẽ được đưa vào Phụ lục 1A của Hiệp định WTO (thứ tự đứng sau Hiệp định về các Biện pháp tự vệ). Việc bảo lưu bất kỳ điều khoản nào của Nghị định thư sửa đổi đều phải được các Thành viên đồng ý.
Nội dung của Hiệp định TF: WTO đã bắt đầu tiến hành đàm phán Hiệp định TF từ tháng 10 năm 2004. Trải qua hơn 50 phiên đàm phán chính thức cùng với hàng trăm phiên trao đổi thảo luận nhóm, Hiệp định đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 (ngày 7 tháng 12 năm 2013) tại Bali, Indonexia.
Mục đích của Hiệp định TF là xóa bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phi thuế quan đối với thương mại, giúp đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục liên quan đến thương mại mà quan trọng nhất là thủ tục xuất nhập khẩu và quản lý biên giới, tăng cường mức độ áp dụng tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường minh bạch hóa trong việc công bố các thủ tục và các yêu cầu về chứng từ, đồng thời khuyến khích hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan hải quan trên thế giới cũng như sự phối hợp của chính các cơ quan quản lý biên giới trong quốc gia.
Hiệp định TF gồm 3 phần chính: Phần I: Quy định về các biện pháp kỹ thuật; Phần II: Các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các quốc gia Thành viên đang phát triển và kém phát triển; Phần III: Các thỏa thuận thể chế và các điều khoản quy định cuối cùng.
Cũng trong buổi sáng 5/11, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn. Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng; quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam