Thông thường, một VBQPPL trước khi được ký ban hành đều trải qua các công đoạn: Xây dựng dự thảo, góp ý, hoàn chỉnh dự thảo, thẩm định và trình ký ban hành. Việc xây dựng dự thảo, trình ký ban hành VBQPPL do cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL thực hiện, việc thẩm định dự thảo VBQPPL do cơ quan tư pháp thực hiện. Điểm chung ở cả 2 giai đoạn này đều là thành quả có được chủ yếu từ ý kiến chủ quan của một cơ quan trong mỗi một giai đoạn cụ thể (cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định); do vậy, xét ở góc độ khách quan (phản ánh thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội) thì cả 2 giai đoạn này đều còn hạn chế nhất định. Giai đoạn góp ý dự thảo VBQPPL lại là giai đoạn mà dự thảo VBQPPL của cơ quan chủ trì soạn thảo được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác nhau trong xã hội soi xét, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung… với nhiều lý do như: Chưa đúng pháp luật, do chưa phù hợp với thực tế, do chưa “chín muồi” để có thể ra đời, do mâu thuẫn, chồng chéo… Những ý kiến góp ý từ nhiều phía như vậy, có thể đúng hoặc không đúng, phù hợp hoặc không phù hợp; tuy nhiên lại là những biểu hiện đảm bảo nhất của yếu tố khách quan, hợp lý, khả thi trong VBQPPL.
Trong những năm qua, công tác xây dựng VBQPPL trên địa bàn tỉnh ta đạt được những kết quả đáng khích lệ; tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và cả ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày của VBQPPL ngày càng được xem trọng; chất lượng VBQPPL được ban hành ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, công tác góp ý xây dựng dự thảo VBQPPL chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức; nhiều dự thảo văn bản được gửi đi lấy ý kiến nhưng rơi vào tình trạng “chưa thấy hồi âm”; nhiều dự thảo nhận được văn bản góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo háo hức với hy vọng nhận được góp ý đa chiều, chất lượng, nhưng kết quả nhận được chỉ là “thống nhất với dự thảo”, “nhất trí với dự thảo” hay “không có ý kiến góp ý”; một số góp ý chất lượng có khá hơn nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc góp ý về lỗi chính tả, dễ dẫn đến cảm giác thiếu quan tâm, hời hợt. Tất cả những góp ý như thế đương nhiên là không trái pháp luật, tuy nhiên đã để lại những cảm giác, suy nghĩ không tốt cho cơ quan chủ trì soạn thảo, một trong số đó là cảm giác không biết liệu dự thảo của mình có điểm nào chưa phù hợp, trái pháp luật hay không khi mà đa số văn bản góp ý đều là “nhất trí”, “đồng ý”, “tán thành”. Ở mức độ cao nhất trong hệ quả của việc góp ý kém chất lượng, đó là suy nghĩ chủ quan của cơ quan chủ trì soạn thảo khi cho rằng dự thảo của mình đã hoàn hảo, không có hạn chế, từ đó dẫn đến văn bản được ban hành không “sống” được trong đời sống thực tế do chưa phù hợp pháp luật, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không khả thi…
Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định “Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến” (Khoản 3, Điều 7). Như vậy, tham gia góp ý xây dựng dự thảo VBQPPL với một tinh thần trách nhiệm để đảm bảo có một văn bản chất lượng là một yêu cầu đã được luật hóa; thực hiện tốt yêu cầu này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, mà quan trọng hơn là góp phần đảm bảo pháp luật ra đời đứng ở vị trí tối thượng trong đời sống xã hội, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, với các quan hệ xã hội đã, đang và sẽ nảy sinh, VBQPPL ra đời được Nhân dân mong đợi, chào đón với niềm tin vào một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Duy Minh