Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 31-10

* Sự kiện

- Ngày 31-10-1946: Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I, sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên bố: “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ ham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài.Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam. …Tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết…, phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích, trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà...”.

- Ngày 31-10-1949: Báo Sự Thật, số 121 đăng bài “Rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm”, ký bút danh A.G của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu lên vấn đề: “Sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng của từng cán bộ địa phương. Kinh nghiệm chung của tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay; tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Như vậy khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm, công việc sẽ rất mau tiến bộ”.

- Ngày 31-10-1973: Lễ thông cầu Hoàng Mai (Nghệ An), một trong những cầu đường sắt lớn trên tuyến đường sắt phía Nam.

- Ngày 31-10-1989: Lễ bàn giao Nhà máy thủy điện Trị An. Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách Thành phố Hồ Chí Minh 65 km về phía Đông Bắc. Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Nhà máy thủy điện Trị An có 4 tổ máy, với tổng công suất thiết kế 400 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỉ KWh.Công trình thủy điện Trị An còn có ý nghĩa kinh tế tổng hợp là cùng với các nhà máy khác cung cấp điện cho phụ tải toàn quốc. Ngoài ra, là thủy điện đa mục tiêu, công trình còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ...

- Ngày 31-10-2010: Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đóng điện thành công và đưa vào vận hành máy biến áp 500 kV thứ 3, công suất 450 MVA tại trạm biến áp 500kV Pleiku, nâng tổng dung lượng của trạm biến áp lên 1.600 MVA để truyền tải toàn bộ công suất nguồn từ lưới điện 220 kV khu vực Tây Nguyên lên hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam.

* Nhân vật

- Ngày 31-10-1893: Ngày mất nhà yêu nước Cao Thắng. Cao Thắng sinh năm 1864, trong một gia đình nông dân nghèo quê ở làng Lê Động, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Cao Thắng đã ham mê học chữ và võ nghệ và ông giỏi cả văn lẫn võ. Hưởng ứng hịch Cần Vương, Phan Đình Phùng chiêu mộ lực lượng chống Pháp, Cao Thắng xin gia nhập và trở thành một vị tướng giỏi. Khi Phan Đình Phùng ra Bắc, Cao Thắng đã thay mặt ông chỉ huy nghĩa quân. Ông đã góp phần xây dựng lại lực lượng nghĩa quân, đặc biệt chế tạo thành công vũ khí để đánh giặc. Năm 1893, Cao Thắng hy sinh khi chỉ huy quân cảm tử tấn công đồn giặc ở Nghệ An, lúc này ông mới 29 tuổi. Ở Hà Nội có một phố mang tên ông - phố Cao Thắng (quận Hoàn Kiếm).

- Ngày 31-10-1919: Ngày sinh của nhà báo cách mạng Lưu Quý Kỳ. Lưu Quý Kỳ quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; mất ngày 1-8-1982. Ông từng là Vụ trưởng Vụ báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là cây bút sắc sảo của làng báo chí Việt Nam. Bên cạnh báo chí, ông còn làm thơ, viết văn. Một trong những cuốn sách nổi tiếng của ông là cuốn “Nước về biển cả”. Ông được Đại hội X của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) nhóm tại Moskva (Liên Xô tháng 10-1981) bầu là Phó Chủ tịch OIJ và được OIJ trao Huy chương Julius Fucik vì có nhiều cống hiến cho hòa bình và hữu nghị.

Theo TTXVN