* Sự kiện
- Ngày 24-10-1955: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Gửi các em học sinh” bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 600. Trong thư, Người ân cần hỏi thăm các em học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới. Người nhắc nhở các em phải chú trọng rèn luyện toàn diện về mọi mặt: Thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục để trở thành những người có ích cho gia đình, quê hương, đất nước.
- Ngày 24-10-1957: Báo Hà Nội mới ra số đầu tiên. Cách đây 58 năm, báo Thủ đô Hà Nội ra số đầu tiên. Năm 1968, báo Thủ đô Hà Nội sáp nhập với báo Thời mới, được Bác Hồ đặt tên là Hà Nội mới. Báo Hà Nội mới là cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô. Từ khi thành lập đến nay, báo Hà Nội mới không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước. Hiện báo Hà Nội mới có các ấn phẩm: Hà Nội mới hằng ngày, Hà Nội mới cuối tuần, Hà Nội mới ngày nay và Hà Nội mới điện tử. Báo Hà Nội mới đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
- Ngày 24 đến 27-10-1961: Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa II. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua: Nghị quyết sáp nhập huyện Đông Triều (Hải Dương) vào khu Hồng Quảng; Nghị quyết về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Chính phủ; Tuyên bố của Quốc hội về tình hình miền Nam và tình hình đấu tranh thống nhất nước nhà; Lời kêu gọi của Quốc hội Việt Nam gửi Quốc hội các nước trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm.
- Ngày 24-10-1962: Bác Hồ đến thăm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1962. Người đưa ra nhận xét: “Các tranh tượng đã nói lên được tình người, tả chân thực những người lao động bình thường. Anh chị em đã cố gắng đi vào đời sống, thế là tốt. Nhưng tranh chưa nói lên được khí thế thi đua của quần chúng. Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”. Làm theo lời dặn của Bác, những người họa sĩ - chiến sĩ luôn bám sát đời sống lao động, chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều họa sĩ đã đi vào tuyến lửa, trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường và từ thực tiễn sinh động ấy đã sáng tác nên nhiều tác phẩm xuất sắc. Đến nay, nhiều tác phẩm trong số đó được lưu giữ tại các bảo tàng. Nhiều tác phẩm đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.
- Ngày 24-10-1995: Chính phủ quyết định thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa là một cơ sở khoa học, vừa là một trung tâm văn hóa, có tính khoa học cao và có tính xã hội rộng lớn. Những hiện vật trưng bày tại bảo tàng đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ở đó mỗi bản sắc văn hóa vùng miền lại có góc "khoe sắc" riêng, rất độc đáo. Năm 2014, trang web du lịch số 1 của Mỹ – TripAdvisor đã trao chứng chỉ xuất sắc lần thứ ba cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Kết quả này căn cứ vào những nhận xét cũng như số lượng bình chọn của du khách qua trang Web trong vòng 12 tháng. Trước đó, năm 2012 và 2013, bảo tàng cũng đã được trang web này trao chứng chỉ xuất sắc.
- Ngày 24-10-2014: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 nhằm mục đích trao đổi và thảo luận về các chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia, tái cấu trúc nền kinh tế, lựa chọn giữa cải cách tiệm tiến và đột phá thay đổi, cải cách thể chế kinh tế, phát triển vốn xã hội và các giá trị xã hội cho Việt Nam để đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ con người, quốc gia, dân tộc. Diễn đàn cũng đề cập đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn, từ đó mở ra một cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến tăng trưởng xanh, xanh hóa nền kinh tế.
* Nhân vật
- Ngày 24-10-1929: Ngày sinh Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ. Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ sinh ngày 24-10-1929 tại Tân Định-Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi chưa tròn 18 tuổi, từng trải qua nhiều chức vụ từ cán bộ cơ sở đến trọng trách cao của Đảng và Nhà nước như Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII… Cuộc đời của ông là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về bản lĩnh của người cộng sản, về trí tuệ sắc bén của người lãnh đạo và mẫu mực về đạo đức cách mạng.Ông được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; huân chương Quân công hạng nhất… Ông mất ngày 1-7-2006.
Theo TTXVN