Theo báo cáo của Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích canh tác các loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn trên đất lúa là 1.329ha; trong đó, vụ đông-xuân 100ha, hè-thu 389ha, vụ mùa 840ha. Diện tích chuyển đổi vụ sau cao hơn vụ trước chứng tỏ chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng mở rộng diện tích cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao của tỉnh đang được nông dân hưởng ứng tích cực. Kết quả thu nhập từ sản xuất bắp, đậu xanh, dưa, rau màu các loại cao hơn trồng lúa từ 5-10 triệu đồng/ha là cơ sở để tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các huyện vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn, hướng tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung giai đoạn 2015-2020.
Nông dân Thuận Bắc trồng bắp lai trên đất lúa thiếu nước đạt hiệu quả cao.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Qua thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa, nông dân đã áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong đợt chống hạn năm 2014-2015, mô hình tưới nước tiết kiệm phục vụ trồng cây màu được phát huy tác dụng, quy mô từ vài chục ha ban đầu đã tăng lên 225ha. Chương trình chuyển đổi đang diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên không loại trừ khả năng khi trời có mưa một số hộ sẽ quay lại tập quán canh tác cũ, khi đó chủ trương không mở rộng thêm diện tích cây lúa dễ bị phá vỡ. Có một thực tế từng xảy ra ở huyện Thuận Bắc trong vụ đông-xuân 2014-2015 vừa qua là nông dân “phớt lờ” khuyến cáo của ngành chức năng, bất chấp hạn hán tổ chức sản xuất hàng chục ha lúa ở khu vực cuối nguồn hồ Bà Râu, cuối cùng bị mất trắng.
Câu hỏi đặt ra là trồng lúa ở những khu vực khó khăn về nước tưới chịu nhiều rủi ro, nhưng tại sao nông dân vẫn không từ bỏ? Giải thích nguyên nhân, đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Bắc, cho rằng: Tập quán canh tác lúa nước ăn sâu trong tiềm thức của nông dân, nên không phải một sớm một chiều thay đổi được. Trồng lúa tuy giá trị kinh tế không cao, nhưng dễ làm, dễ tiêu thụ, đầu tư ít, đó là lý do nông dân dám “đánh cược” với trời. Trong khi đó, cũng trên vùng đất ấy, muốn chuyển sang trồng cây chịu hạn phải đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hạ tầng thủy lợi, nhiều hộ không đủ khả năng tài chính. Thực tế từ việc chuyển đổi đất lúa ở cánh đồng Cây Me, Huyện Đội (xã Bắc Phong, Thuận Bắc) sang trồng bắp trong vụ hè-thu vừa rồi cho thấy nếu nông dân không được hỗ trợ mua máy bơm nước tưới từ kênh Bắc vào ruộng thì rất khó thực hiện.
Như vậy, để chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước đảm bảo tính bền vững, vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết được khâu nước tưới. Rà soát lại các hồ, đập trên toàn tỉnh, nguồn nước dồi dào nhất là ở hệ thống thủy lợi Sông Pha, đập Nha Trinh-Lâm Cấm, nhưng chủ yếu phục vụ cho hơn 11.000ha lúa mỗi vụ trong tỉnh. Còn lại hàng ngàn ha đất khu vực gò cao sử dụng nước của 20 hồ chứa về mùa hạn hán sản xuất bị đình đốn do không đủ nước. Đợt nắng hạn kéo dài từ đầu năm 2014 đến nay, khi mực nước ở các hồ xuống thấp, tỉnh đã “tiếp sức” cho nông dân tổ chức sản xuất bằng cách hỗ trợ đào ao, khoan giếng. Giải pháp trước mắt đã đem lại màu xanh trên vùng đất khát, nhưng về lâu dài để chuyển đổi bền vững nhất thiết phải giải được “bài toán” nước tưới.
Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Phan Quang Thựu cho biết: Trong Chương trình công tác toàn khóa, nhiệm kỳ 2015-2020, Sở NN&PTNT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung xây dựng thêm các hồ chứa nước thượng nguồn; liên thông các hồ chứa hiện nay để giải quyết tình trạng thiếu nước giữa các lưu vực. Trọng tâm ưu tiên giai đoạn này là xây dựng đường ống kết nối liên thông các hồ chứa và hệ thống kênh mương của hồ Sông Cái, đập Tân Mỹ với kênh mương các hồ Cho Mo, Thành Sơn, Sông Trâu, Bà Râu, Ông Kinh giải quyết tưới chủ động cho 6.800ha đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán; đồng thời, nghiên cứu đầu tư liên thông lưu vực hồ Tân Giang-hồ Sông Biêu-hồ Suối Lớn để giải quyết một cách toàn diện tình trạng hạn hán ở Ninh Phước và Thuận Nam. Khi nước sản xuất vào được tất cả các chân ruộng, thì sử công nghệ tưới nước tiết kiệm gắn với đổi mới kỹ thuật canh tác để đảm bảo duy trì sản xuất liên tục các loại cây trồng cạn ở quy lớn một cách có hiệu quả.
Anh Tùng