Tuy đã có nhiều giải pháp, một số nơi đã thành lập được phòng tư vấn tâm lý cho HS-SV nhưng hoạt động chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao.
Nếu chúng ta không tập trung tháo gỡ những khó khăn tồn tại sẽ là rào cản khiến cho việc hình thành các phòng tâm lý trường học thêm khó khăn hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Khó từ tư duy đến cơ chế
“Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất Mô hình tư vấn tâm lý áp dụng tại các trường phổ thông. Mục tiêu là tư vấn để giáo dục hình thành các kỹ năng xã hội; tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản; tâm lý gia đình; hướng nghiệp; những vấn đề của xã hội hiện đại.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên tư vấn sẽ được xây dựng, bố trí nguồn lực và tài chính để đào tạo chuyên sâu. Tại các trường sẽ xây dựng các phòng tâm lý tư vấn riêng, có chuyên gia tâm lý chuyên sâu.
Tổ chức các buổi nói chuyện giữa chuyên gia tâm lý với các em; tăng cường hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh nhằm nâng cao kỹ năng sống”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
Một cuộc khảo sát mới đây của Bộ GD&ĐT cho thấy, đa phần học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý.
Tuy nhiên, tâm lý e ngại, không chủ động trong việc tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ đã cản trở các em.
Điều đó cho thấy, để đạt mục tiêu tư vấn tâm lý cho HS-SV thì công tác này trong nhà trường phải được triển khai chủ động, hấp dẫn các em.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn (ĐHSP Hà Nội): Hoạt động của các phòng tham vấn học đường còn mang tính tự phát, chưa được quản lý và hỗ trợ về chuyên môn, chưa có được mạng lưới liên kết; Thiếu giám sát và quy trình thực hiện; Thiếu hợp tác từ phía phụ huynh; Năng lực của cán bộ còn hạn chế; Các nhà quản lý chưa đồng thuận và nhận thức đúng đắn vai trò chuyên viên tâm lý học đường; Số lượng học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý đông.
“Khó khăn hiện nay là chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý ở các trường, chưa có kinh phí để hoạt động. Cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp. Vì vậy, hoạt động tư vấn tâm lý cho HS-SV chưa thường xuyên, hiệu quả” - Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ GD&ĐT) đánh giá.
Hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý. Đội ngũ chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành Luật, Tâm lý - Giáo dục, Ngữ văn, Giáo dục công dân, một số là giáo viên Sử, Địa…
Hiện chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý ở các nhà trường, chưa có kinh phí hỗ trợ cũng như chế độ đãi ngộ cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này. Một số địa phương có được biên chế, cán bộ, giáo viên tư vấn là do phát huy quyền tự chủ, năng động của địa phương và nhà trường.
Do công tác tư vấn học đường trong nhà trường chưa thực sự được coi trọng nên học sinh thiếu “người bạn, người thầy” để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Trong khi đó, nhiều gia đình có tâm lý phó mặc con cái cho nhà trường, thiếu sự quan tâm, phối hợp trong giáo dục con em. Internet với nhiều lợi ích nhưng thực tế nhưng ẩn chứa rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh.
Để giải bài toán này, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất mô hình tư vấn tâm lý áp dụng tại các trường phổ thông. Mục tiêu là tư vấn để giáo dục hình thành các kỹ năng xã hội; tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản; tâm lý gia đình; hướng nghiệp; những vấn đề của xã hội hiện đại.
Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên tư vấn sẽ được xây dựng, bố trí nguồn lực và tài chính để đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ này. Tại các trường sẽ xây dựng các phòng tâm lý tư vấn riêng, có chuyên gia tâm lý chuyên sâu.
Tổ chức các buổi nói chuyện giữa chuyên gia tâm lý với các em; tăng cường hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh nhằm nâng cao kỹ năng sống.
Trường học phải có phòng tham vấn tâm lý
Tại các cuộc hội thảo, các chuyên gia đầu ngành cũng như các nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp với mong muốn sẽ có phòng tâm lý học đường để giải đáp, tháo gỡ nhiễu rối tâm lý cho học sinh, nhất là lứa tuổi dậy thì.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trước hết, Bộ GD&ĐT phải sớm có quyết định cho phép các nhà trường được xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan trọng cả điều kiện lực lượng chuyên trách, cơ sở vật chất và tiền lương của phòng tham vấn tâm lý học đường.
Danh có chính, ngôn mới thuận, nếu không đề án sẽ mãi mãi chỉ là đề án, không thể trở thành niềm vui, hạnh phúc của thầy trò trong mỗi nhà trường.
Thêm vào đó, công tác đào tạo bồi dưỡng lực lượng chuyên trách làm tâm lý học đường phải được chú trọng. Một là lấy từ sinh viên các khoa tâm lý giáo dục trong các nhà trường sư phạm.
Mặt khác, bồi dưỡng chính những giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, bất kể những giáo viên nào có đủ năng lực sư phạm, say mê với công việc tâm lý học đường đều có thể đào tạo tại chức rồi chọn lọc và khi họ làm kiêm nhiệm cũng phải có chế độ tiền lương thỏa đáng để lôi kéo được người giỏi làm tâm lý học đường.
Đặc biệt các cán bộ quản lý các nhà trường phải được ưu tiên đào tạo về tâm lý học đường cùng với lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại