Thực trạng HS bỏ học
Trong những năm học trước đây, tình trạng HS bỏ học tại các xã ven biển của huyện Ninh Hải vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, trong năm học này, tình trạng HS bỏ học tại địa phương tăng đột biến, nhất là cấp THCS. Nếu như năm học 2014-2015, số HS bỏ học ở cấp THCS trên toàn huyện là 87 em, thì đầu năm học 2015-2016 đã có 254 em bỏ học, phần lớn HS bỏ học rơi vào khối lớp 6, lớp 7, với nhiều lý do khác nhau, so với kế hoạch số HS ra lớp chỉ đạt 95,82%. Mặc dù phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với các địa phương, nhà trường huy động HS ra lớp, nhưng số lượng HS trở lại trường, lớp không cao. Việc HS bỏ học nhiều đã ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục và công tác phổ cập giáo dục bậc THCS trên địa bàn.
Các đoàn thể xã Thanh Hải tham gia vận động gia đình cho các em ra lớp.
Trường THCS Lương Thế Vinh là đơn vị có tỷ lệ HS bỏ học cao nhất của huyện. Trong năm học 2014-2015, trường có 44 HS bỏ học, đặc biệt là từ đầu năm học mới đến nay đã có 76 HS bỏ học. Phần lớn HS bỏ học là con em các gia đình làm nghề biển thuộc 2 xã Nhơn Hải và Thanh Hải nên có không ít bậc phụ huynh có quan niệm “học nhiều thì cũng đi đánh bắt hải sản”, vì vậy, các em HS vùng biển chưa có định hướng tốt về chuyện học hành. Mặt khác, do các em hụt hẫng kiến thức, dẫn tới chán học; một số em cũng vì ham chơi game nên bỏ học. Tìm đến nhà em Trần Thái, thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, qua trao đổi với cha mẹ em, chúng tôi được biết Thái nghỉ học từ năm lớp 6, ở nhà phụ giúp gia đình đi biển, công việc của em hàng ngày là dọn dẹp trên tàu đánh cá. Khác với em Thái, em Nguyễn Thị Ngân cùng thôn, năm nay học lớp 8, tuy không phải là gia đình khó khăn, nhưng do không theo được kiến thức ở trường nên em không học nữa. Hiện em đi làm giúp việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đoàn Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho biết: Trước tình trạng HS bỏ học ở địa phương tăng cao, xã đã tiến hành tổ chức hội nghị chuyên đề bàn các giải pháp để giảm thiểu tình trạng HS bỏ học cũng như công tác vận động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, do là xã ven biển nên nhận thức của nhiều bậc phụ huynh còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm tới việc học hành của con em mình. Một số em có hoàn cảnh khó khăn, Hội Khuyến học của địa phương cũng đã hỗ trợ sách vở, học phí nhưng cho đến nay trong tổng số 90 HS bỏ học ở các cấp, địa phương mới chỉ huy động được 1 em quay trở lại trường.
Cần giải pháp tích cực hơn
Đồng chí Phạm Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Hải, cho biết: Tình trạng HS bỏ học tăng cao tại các xã ven biển, phòng đã chỉ đạo các trường, nhất là các trường THCS tổ chức hội nghị bàn giải pháp bảo đảm duy trì sĩ số HS đến cuối năm học, thực hiện tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc phân chia nhóm đối tượng HS có nguy cơ bỏ học cao: HS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, HS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, HS yếu, HS hay nghịch, phá bỏ học đi chơi… để có biện pháp đối với từng nhóm đối tượng HS, kịp thời thông báo cho phụ huynh khi HS nghỉ học 1 buổi, báo cho Hiệu trưởng khi HS nghỉ học 2 buổi để nhà trường báo cáo cấp ủy, UBND xã, thị trấn chỉ đạo phối hợp, đề ra hướng giải quyết, kịp thời đưa HS trở lại trường. Đồng thời, tổ chức tốt các phong trào thi đua trong nhà trường, trong đó có phong trào viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm để nhân rộng những điển hình tiên tiến, áp dụng những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số HS, công tác xã hội hóa giáo dục, tạo môi trường thân thiện, để HS “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Đồng chí Đoàn Thị Loan cho biết thêm, trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể các đoàn thể tiếp tục vận động HS ra lớp, chú trọng tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về việc cần thiết cho con em đến lớp để học tập. Bên cạnh đó, về lâu dài, huyện cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học tại địa phương để tiện cho công tác quản lý, vì hiện nay, xã chỉ có trường tiểu học mà chưa có trường THCS, vì vậy các em HS phải qua học tại Trường Lương Thế Vinh nằm trên địa bàn xã Nhơn Hải.
Để tạo điều kiện cho HS đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học, thì vai trò của các bậc phụ huynh hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng và nhà trường trong việc tạo điều kiện cho những HS có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng cho HS yếu, đặc biệt là tạo ra môi trường học tập gần gũi, thân thiện. Có như vậy tình trạng bỏ học của HS ở các vùng ven biển mới được giảm thiểu.
Thế Quang