Theo Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - để làm được việc này, giáo viên cần dành thời gian hợp lý trong các giờ học trên lớp cho học sinh đọc SGK và thực hiện các nhiệm vụ học tập phù hợp với trình độ, nhu cầu, sở thích của mình. Cùng với việc hướng dẫn học sinh các kỹ thuật đọc sách phù hợp, giáo viên cũng cần sử dụng SGK kết hợp linh hoạt với các tài liệu, phương tiện dạy học khác.
Tạo tâm thế "được học" hơn là "phải học"
Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú cho biết: Với các câu hỏi, bài tập đa dạng về hình thức, về cấp độ, giáo viên sẽ tạo cơ hội cho học sinh được lựa chọn và hứng thú hơn khi được đọc sách - được học hơn là phải đọc, phải học.
Một số nội dung, nhiệm vụ học tập trong sách cần được dành thời gian hợp lý, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà và cần có tiêu chí đánh giá cụ thể (hoặc mức đột cần đạt) để khuyến khích học sinh thực hiện.
Theo tiến sĩ Hoàng Thanh Tú, thông thường, những câu hỏi yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức để kiểm tra các mục tiêu như nhớ mốc thời gian, diễn biến sự kiện, tên nhân vật ... phù hợp với nhiệm vụ chuẩn bị ở nhà trước khi lên lớp.
Như vậy, khi tiến hành dạy trên lớp, giáo viên có thời gian hướng dẫn học sinh tìm hiểu bản chất cũng như đánh giá tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử quan trọng.
Những câu hỏi yêu cầu học sinh giải thích, phân tích, đánh giá các sự kiện lịch sử hoặc bài tập thực hành phù hợp cho việc định hướng các nhiệm vụ học tập trên lớp như đàm thoại, thảo luận ... hoặc định hướng cho học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập sau giờ học trên lớp.
"Điều quan trọng là hướng dẫn học sinh sử dụng SGK không chỉ để tiếp nhận kiến thức mà còn rèn luyện các kĩ năng tự học, tự nghiên cứu" - tiến sĩ Hoàng Thanh Tú nhấn mạnh.
Hướng dẫn học sinh các kĩ thuật đọc sách phù hợp
Với nội dung này, tiến sĩ Hoàng Thanh Tú dẫn ra một số cách thức hướng dẫn học sinh đọc SGK của chuyên gia nước ngoài như: Đọc theo dàn ý và câu hỏi của giáo viên, sau đó học sinh làm việc với SGK một cách hoàn toàn độc lập (đọc và tự ghi chép theo dàn ý, làm đề cương, ghi tóm tắt);
Hoặc, giáo viên có thể thiết kế phiếu làm việc nhóm/cá nhân định hướng cho việc đọc SGK, chuẩn bị bài ở nhà của học sinh theo các vấn đề như: Đặt câu hỏi theo hai cột "ai" và "tại sao"; trả lời một cách đầy đủ nhất, có ví dụ minh họa cho các câu hỏi đó; thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm (để hỏi các nhóm/cá nhân khác) dựa vào nội dung của các câu trả lời; nhóm/cá nhân xác định các khái niệm cơ bản nhất trong bài học; thiết kế bài tập theo kiểu "hãy so sánh...), thực hiện bài tập theo cấu trúc gợi ý trước...
Một kỹ thuật đọc sách khác cũng có thể áp dụng, đó là: Khảo sát bài đọc, nêu câu hỏi, đọc kĩ, ôn luyện, ghi nhớ.
"Hay chiến lược 4 bước theo kĩ thuật SQRW về đọc và ghi chép nội dung từ SGK gồm: Khảo sát - đọc lướt các tiêu đề, phần giới thiệu tóm tắt hoặc kết luận để liên hệ với những gì đã biết và hình dung nội dung sẽ học;
Câu hỏi - tự đặt ra câu hỏi để có mục đích và tập trung vào việc đọc sách;
Đọc - đọc thông tin để ìm ra câu trả lời; viết - viết câu hỏi và câu trả lời vào vở.
Hướng dẫn học sinh đọc sách và lập các sơ đồ, bảng biểu hệ thống kiến thức; quan sát ảnh, bản đồ trong sách và trả lời câu hỏi/bài tập, hoàn thành phiếu học tập... cũng là những cách học hiệu quả.
Quan trọng là giáo viên thiết kế nhiệm vụ đa dạng để học sinh có cơ hội lựa chọn theo năng lực, nhu cầu của mình" - tiến sĩ Hoàng Thanh Tú gợi ý thêm.
Nhấn mạnh việc sử dụng SGK cần kết hợp linh hoạt với các tài liệu, phương tiện dạy học khác như tài liệu tham khảo, phiếu học tập, phiếu nhớ, phiếu ghi chép thảo luận nhóm... hướng tới mục tiêu học tập đề ra, tiến sĩ Hoàng Thanh Tú đồng thời lưu ý: Vai trò của giáo viên là người thiết kế, hướng dẫn, còn học sinh được chủ động thực hiện (theo nhóm/cá nhân) và tự đánh giá.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại