Ông Huỳnh Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, cho biết: Để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, địa phương tập trung tuyên truyền, động viên các hộ dân mạnh dạn chuyển hình thức chăn nuôi tự do, phân tán nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bà con xã Phước Hậu chăm sóc gia súc.
Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã có trên 15.000 con, trong đó đàn bò 1.920 con, đàn trâu 287 con, đàn dê 10.646 con, đàn cừu gần 1.500 con... Để định hướng chăn nuôi lâu dài, xã cũng đã quy hoạch phát triển các loại cây trồng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi như: Trồng cỏ, bắp và các loại rau màu khác; tích cực phối hợp, liên kết các ngành mở lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn gia súc... Nhờ vậy, tổng số đàn gia súc trên địa bàn xã luôn được duy trì, giá trị chăn nuôi tăng trưởng.
Ngoài ra, thông qua các Hội, đoàn thể, người dân còn được tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển chăn nuôi, với tổng dư nợ đến nay trên 131 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ về vốn, giống từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, trên địa bàn xã cũng có nhiều mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương được nông dân nhân rộng như: Mô hình “Chăn nuôi dê, cừu kết hợp trồng nho, táo”, chăn nuôi bò, cừu vỗ béo... góp phần đưa đàn gia súc tăng cả số lượng và chất lượng.
Với những chính sách ưu đãi về vốn, cùng với những chủ trương đúng đắn trong quá trính phát triển chăn nuôi đã góp phần giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Đơn cử như hộ ông Hán Văn Sang, thôn Hiếu Lễ, năm 2009, được vay vốn 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tận dụng lợi thế đất vườn của gia đình, ông mua 5 con dê nuôi theo hình thức sinh sản kết hợp trồng cỏ. Từ việc đảm bảo nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ, nhờ vậy mà đàn dê phát triển khỏe mạnh, sinh sản nhanh, đến nay đã tăng lên trên 20 con, đem lại nguồn thu nhập gần 40 triệu đồng/năm.
Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua bằng việc chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo ở địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn 5,98%. Nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi.
Hồng Lâm