(NTO) Công tác giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Trong nhiều năm qua, những chính sách để giảm nghèo của tỉnh đã tác động trực tiếp tới các vùng, địa bàn và tới từng hộ dân ở các địa phương, nhất là ở huyện, xã nghèo cộng với nỗ lực thoát nghèo của không ít hộ… đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 15,48% năm 2010 và phấn đấu xuống còn 5,73% vào năm 2015. Kết quả này là đáng mừng, tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự bền vững, một số địa phương có tình trạng hộ nghèo giảm xuống thì ngược lại hộ cận nghèo…tăng lên!. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản có một số nguyên nhân chủ yếu như: Có những gia đình do thiếu đất, thiếu vốn để phát triển sản xuất, tổ chức kinh doanh, tổ chức các hoạt động dịch vụ, buôn bán nhỏ; có người thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, sử dụng vốn vay kém hiệu quả...Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở một số địa phương, cơ sở chưa chỉ đạo sát sao, chưa nắm vững tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người dân.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân xã Phước Trung (Bác Ái)
đầu tư chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh Sơn Ngọc
Đồng thời, chưa có biện pháp giúp đỡ kịp thời, sát thực đến từng gia đình. Nguyên nhân không kém phần quan trọng là đến nay đây đó vẫn còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, không muốn thoát khỏi hộ nghèo để thụ hưởng những ưu đãi theo chính sách...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2020 hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,5 - 2%/năm (theo chuẩn mới). Tạo cơ hội để mọi người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững…Để đạt được mục tiêu nêu trên, yêu cầu đặt ra đó là trước hết, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp, hướng vào những chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, không tiếp tục tạo ra sự trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Tập trung đầu tư giúp những hộ mới thoát nghèo, những hộ cận nghèo để họ không tái nghèo và không rơi xuống diện nghèo. Thực hiện đồng bộ các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập như hướng nghiệp, khởi sự nghề nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp. Một khi người dân có nhận thức, có kiến thức thì họ sẽ biết làm gì trên “luống cày” của mình. Họ sẽ tự biết trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, có hiệu quả cao nhất. Đây được xem như “chiếc chìa khóa” để cho người dân tự mở khóa kho tàng kiến thức cũng như những tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh trên mảnh đất của họ. Cần hỗ trợ về chính sách vay vốn cho hộ nghèo với lãi suất ưu đãi, hợp lý. Vốn được xem như một “cú hích”, như sự “cứu cánh” cho những ước mơ đích thực của người nông dân muốn tự mình vươn lên thoát nghèo. Khi đã có vốn lại được cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ cùng với bàn tay, khối óc, sự khao khát vươn lên thoát nghèo của người dân hy vọng rằng sẽ giải quyết được bài toán giảm nghèo một cách bền vững.
Suy cho cùng, các chính sách của Nhà nước mới chỉ là yếu tố “cần”, điều quan trọng hơn là sự chỉ đạo của các ngành, các cấp ở các địa phương cùng với sự tự lực, tự cường vươn lên của người dân mới là yếu tố “đủ” để thoát nghèo một cách bền vững.
Tuấn Dũng