Thế giới trong tuần

1. Nga kêu gọi Mỹ hợp tác ở mức cao hơn để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại diễn đàn đầu tư “Nước Nga kêu gọi” tại Moskva ngày 13-10 vừa qua. Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nếu chúng ta muốn không chỉ thực hiện các cuộc không kích mà quan trọng là giải pháp chính trị, chúng ta cần phải hối thúc các lực lượng bên trong Syria hợp tác với nhau”. Nga cũng đề nghị tiến hành một cuộc gặp quân sự-chính trị ở cấp cao tại Moskva tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời từ phía Mỹ.

 
Các thành viên của Bộ Tứ Đối thoại quốc gia Tunisia.

Đề cập đến cáo buộc của phương Tây về chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, Tổng thống Nga mạnh mẽ bác bỏ và cho rằng Nga không muốn có vị thế lãnh đạo tại Syria, bởi vị thế đó thuộc về người dân Syria. Moskva chỉ muốn góp phần chống khủng bố, một nguy cơ với cả Nga, Mỹ, châu Âu và thế giới nói chung.

Ông Putin cũng nhấn mạnh hành động của Nga tại Syria dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong khi hành động của Liên minh chống IS của Mỹ đứng đầu không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chính quyền Syria.

2. Nghị viện châu ÂU (EF) vừa thông qua khoản ngân sách bổ sung hơn 400 triệu Euro để xử lý cuộc khủng hoảng người di cư.

Theo EF, cần phải sửa đổi hệ thống ngân sách và đề xuất các biện pháp tài chính dài hạn mới có thể giải quyết hiệu quả vấn đề này. Khoản ngân sách bổ sung được đề xuất bởi Ủy ban châu ÂU (EC) và các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ nhận phần lớn số tiền này. EC cũng đang hối thúc các thành viên EU tôn trọng cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 9 và tích cực hơn trong công tác hỗ trợ giải quyết vấn đề người di cư.

Một động thái liên quan, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm hạn chế dòng người di cư đang ồ ạt vào châu Âu. Theo thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xử lý hơn 2 triệu người di cư Syria, Iraq và Afghanistan, mà quốc gia này đang tiếp nhận. Đổi lại, châu Âu sẽ bãi bỏ visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và mở ra cuộc đàm phán mới về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, về khoản viện trợ 3,4 tỷ USD mà Ankara yêu cầu, giới chức EU cho biết vẫn còn đang cân nhắc.

3. Trái với mọi dự đoán, giải Nobel hòa bình năm 2015 đã được Ủy ban Nobel Na Uy quyết định tôn vinh Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia nhờ những đóng góp quyết định vào công trình xây dựng nền dân chủ ở Tunisia sau cuộc cách mạng hoa nhài năm 2010-2014. Liên Hợp Quốc lên tiếng ca ngợi giải Nobel hòa bình ghi nhận vai trò của tổ chức xã hội đối với sứ mệnh khôi phục hòa bình. Một thành viên của nhóm Bộ tứ khẳng định: “Đây là niềm tự hào của Tunisia, nhưng cũng là hy vọng đối với thế giới Ả Rập. Đó là thông điệp rằng, đối thoại sẽ dẫn đến con đường đúng. Khu vực cần phải hạ vũ khí và ngồi vào bàn đàm phán”.

Cùng thời điểm này, Giải Nobel kinh tế năm 2015 được trao cho nhà kinh tế học Angus Deaton có công tìm ra mối liên hệ giữa chính sách kinh tế thúc đẩy phúc lợi xã hội và giảm nghèo đói. Công trình của giáo sư Angus Deaton chỉ ra các mối liên hệ giữa những quyết định tiêu dùng cá nhân và những tác động đến toàn nền kinh tế, đã giúp làm biến đổi nền kinh tế vi mô, vĩ mô và những nền kinh tế phát triển.