Mặt khác, Trung ương hỗ trợ kịp thời của từ lương thực, cấp nước… đến kinh phí hỗ trợ duy trì đàn gia súc như hỗ trợ thức ăn, nước uống, quy hoạch đồng cỏ thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo nguồn thức ăn ổn định, lâu dài để phát triển chăn nuôi… nhờ đó đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm đáng kể những thiệt hại có thể xảy ra đối với sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Nông dân An Hải trồng đậu phộng kết hợp sử dụng tưới nước tiết kiệm
mang lại thu nhập trong mùa hạn. Ảnh: Hồng Lâm
Theo thông tin mới đây cho thấy, UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương, ngành nông nghiệp và một số đơn vị liên quan thực hiện công tác chống hạn với tổng kinh phí 157,135 tỷ đồng trong tổng số 172 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ chống hạn của Trung ương. Nhìn chung, từ nguồn kinh phí nói trên, các ngành liên quan và các địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện giải ngân theo các nội dung được giao với tinh thần chủ động, vận dụng linh hoạt các quy định của nhà nước gắn với tình hình thực tế của từng ngành, địa phương…
Kết quả là một số địa phương như Ninh Hải, Ninh Phước… đã hỗ trợ và giải ngân kịp thời kinh phí chống hạn, nhất là hỗ trợ thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ thức ăn cho đàn gia súc theo quy định, với tinh thần công khai, minh bạch tạo được sự đồng tình cao trong Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn một số địa phương như Bác Ái, Thuận Nam chậm thực hiện dẫn đến “nghẽn” nguồn kinh phí hỗ trợ trong khi người dân lại trông chờ !. Nguyên nhân là do chưa chủ động trong việc nghiên cứu sâu, kỹ để có thể vận dụng các chính sách, thủ tục hỗ trợ theo quy định. Mặt khác, việc theo dõi, nắm bắt tình hình thiệt hại cây trồng, vật nuôi từ cơ sở chưa kịp thời nên dẫn đến việc xác lập hồ sơ để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người dân gặp khó khăn, tạo nên những bức xúc không cần thiết.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo các huyện cần tiếp tục triển khai công tác chống hạn đảm bảo kịp thời, hiệu quả nhất là đẩy nhanh giải ngân nguồn kinh phí được giao. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ thức ăn cho gia súc, hỗ trợ thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi phải thực hiện xong trước ngày 20-10-2015. Riêng các huyện Thuận Nam, Bác Ái cần căn cứ hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và PTNN cũng như kinh nghiệm thực hiện của các huyện Ninh Hải, Ninh Phước để triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định hiện hành, tránh gây ra tình trạng thắc mắc, khiếu nại trong người dân vùng chịu hạn.
Suy cho cùng, có kinh phí thôi chưa đủ mà quan trọng nhất vẫn là cách thực hiện bằng chính tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân.
T.D