Do đặc điểm trên, để thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21-10-2011 của Tỉnh ủy về “Công tác giảm nghèo đến năm 2015”, Huyện ủy Thuận Bắc đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết (NQ) số 07-NQ/HU về “Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015”.
Người dân Raglai xã Lợi Hải đầu tư chăn nuôi cừu để thoát nghèo.
Trong quá trình triển khai thực hiện NQ trên, với quan điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, kết quả thành công phụ thuộc trước hết vào sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, Huyện ủy Thuận Bắc đã ban hành nhiều NQ liên quan, trong đó có các NQ về phát triển kinh tế-xã hội thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn) và phát triển kinh tế-xã hội xã Phước Kháng. Để đưa NQ vào cuộc sống, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Đa số hộ nghèo đã có nhận thức tự vươn lên thoát nghèo, cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi thu thập kinh nghiệm, tích cực sản xuất, tự tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt. Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm tổ chức 46 lớp đào tạo nghề (chủ yếu là các nghề chăn nuôi, trồng trọt, may công nghiệp, đan lát, thêu tay,...) cho 1.560 học viên, nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo lên 30%; đồng thời tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới trong và ngoài tỉnh cho 4.018 lao động, xuất khẩu 42 lao động làm việc tại Malaysia và Nhật Bản.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong các giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đáng chú ý hơn cả là việc tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất và đầu tư hạ tầng thiết yếu. Về nhà ở, từ năm 2011 đến nay, Thuận Bắc đã hỗ trợ xây dựng 689 căn nhà, nâng tổng số nhà ở được hỗ trợ xây dựng lên 1.467 căn, góp phần giải quyết nhà ở cho người nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Để tạo điều kiện về đất sản xuất, UBND huyện đã tổ chức khai hoang 25ha đất cấp cho 160 hộ dân sản xuất, nâng tổng số hộ dân được cấp đất sản xuất lên 430 hộ, với diện tích trên 100ha. Đặc biệt các chương trình 134, 135 đã hỗ trợ 41,8ha đất sản xuất cho 230 hộ (17,5ha cho 70 hộ thuộc thôn Xóm Bằng 2, xã Bắc Sơn và 24,3ha cho 160 hộ thuộc 2 xã Lợi Hải, Phước Kháng) và hỗ trợ sản xuất 2,2 tỷ đồng; xây dựng công trình nước sinh hoạt, xây mới, sửa chữa nâng cấp đường giao thông, trường học và các trạm y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn... Qua đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ngày càng được cải thiện, văn hóa xã hội có bước phát triển, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên.
Anh Nguyễn Ngọc Định, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc, cho biết: Qua thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội đã tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; nhất là đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả huyện từ 23,57% (năm 2011) xuống còn 15,72% trong năm nay, bình quân hằng năm giảm 2%. Đặc biệt các xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%) đã giảm đáng kể, cụ thể xã Bắc Sơn giảm còn 22,99%, xã Phước Chiến giảm còn 33,37% và xã Phước Kháng giảm còn 30,94%. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho gần 700 lao động (chỉ tiêu cả năm là 900 lao động). Tuy nhiên, dù có nhiều đổi mới, tiến bộ, nhưng nhìn chung đời sống Nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào vùng miền núi, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, hộ nghèo phát sinh vẫn còn; chênh lệnh thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng miền còn lớn.
Trước thực tế trên, hướng đến mục tiêu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2% và giải quyết việc làm cho 900 lao động theo NQ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Thuận Bắc tập trung thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chương trình nông thôn mới, chương trình tam nông, chương trình 135 giai đoạn III và chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm là thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm; đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bạch Thương