Việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có các DN.
Theo TS Võ Trí Thành, ngoài những lợi thế thường được nói tới của dệt may, da giày, thủy sản.. cũng như cơ hội từ tăng trưởng xuất khẩu thì cơ hội dành cho các DN Việt Nam trong các lĩnh vực như: logistic, kết cấu hạ tầng và công nghiệp hỗ trợ cũng có tiềm năng rất lớn.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: VGP/Lê Anh
Hội nhập cũng giúp thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các DN nước ngoài. Họ muốn làm ăn tốt cũng phải nhờ tới DN nội địa trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Riêng lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường mặc dù phát triển mạnh trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn kém, nên đây cũng là lĩnh vực hứa hẹn phát triển khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực...
Mặc dù có rất nhiều cơ hội nhưng thách thức đối với các DN trong quá trình hội nhập cũng không nhỏ, do các DN Việt Nam hầu hết là các DN vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu.
Nhiều chuyên gia đều cho rằng, để hội nhập thành công, DN Việt Nam cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để duy trì và phát triển thị trường. Bên cạnh đó là việc học tập các ý tưởng từ bên ngoài và phương thức quản trị DN hiện đại, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tư duy sáng tạo sẽ giúp DN Việt Nam linh hoạt hơn và hiệu quả hơn trước đòi hỏi của thị trường một cách nhanh chóng.
TS Võ Trí Thành cũng cho rằng công nghệ thông tin có vai trò to lớn trong quá trình hội nhập. Do đó, các DN Việt Nam cần phải học hỏi và phát huy được vai trò của công nghệ thông tin để mở rộng giao dịch với quốc tế.
Để giải quyết khó khăn trong tiếp cận tài chính cho DN, cần phát huy vai trò của chính quyền và hiệp hội nhằm thúc đẩy kết nối ngân hàng và DN; tìm cách hợp tác với DN lớn, DN nước ngoài để tăng độ tin cậy với ngân hàng.
Bên cạnh đó, các DN cần minh bạch tài chính để tìm các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư.
Nguồn www.chinhphu.vn