Giám sát tài chính đặc biệt khi DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính

Theo Nghị định 87/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp Nhà nước có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính.

 
Ảnh minh họa

Các dấu hiệu mất an toàn tài chính của doanh nghiệp bao gồm:

1- Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2- Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

Các dấu hiệu khác cơ quan đại diện chủ sở hữu cần kết hợp xem xét khi xác định dấu hiệu mất an toàn tài chính của doanh nghiệp bao gồm:

1- Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ thực tế lớn hơn số lỗ kế hoạch trong 2 năm liền.

2- Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, lỗ hai năm liên tiếp trở lên; doanh thu thuần hoặc lợi nhuận gộp giảm liên tiếp 2 năm trở lên; có hệ số tín nhiệm thấp theo xếp hạng của các tổ thức xếp hạng tín dụng; không tiến hành báo cáo tài chính, hoặc có ý kiến không chấp nhận, ý kiến từ chối trong Báo cáo kiểm toán, hoặc có ý kiến ngoại trừ trong Báo cáo kiểm toán trong 2 năm liền về cùng một vấn đề có ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các dấu hiệu quy định nêu trên là dấu hiệu cảnh báo khả năng đặt một doanh nghiệp vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt. Khi doanh nghiệp có một trong các dấu hiệu này, cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp phối hợp xem xét dấu hiệu mất an toàn tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp để quyết định đưa doanh nghiệp vào diện giám sát tài chính đặc biệt hay tiếp tục giám sát tài chính.

Trách nhiệm của Giám đốc doanh nghiệp

Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng thành viên (Chủ tịch Công ty), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt. Cụ thể, Hội đồng thành viên (Chủ tịch Công ty), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt phải lập phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động kinh doanh và tài chính để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có Quyết định giám sát tài chính đặc biệt.

Bên cạnh đó, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính theo tần suất đã thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu về các chỉ tiêu giám sát được phê duyệt trong phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.

Nguồn chinhphu.vn