Quan điểm cốt lõi: Lấy học sinh là trung tâm
PGS.TS Trần Đức Tuấn cho rằng, một tầm nhìn mới về sách giáo khoa cần phải được xây dựng dựa trên các quan điểm quan trọng nhất của giáo dục hiện đại là lấy học sinh làm trung tâm, công nghệ hóa giáo dục và giáo dục phát triển bền vững.
Đây cần xem là những quan điểm chủ đạo định hướng và chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển sách giáo khoa phổ thông mới ở Việt Nam.
Với nhận thức như vậy, PGS.TS Trần Đức Tuấn cho biết quan điểm và tầm nhìn của mình về sách giáo khoa mới như sau:
Một là, sách giáo khoa phổ thông mới phải là công cụ hữu hiệu để tổ chức dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm theo hướng tăng cường hoạt động dạy học hợp tác và tương tác.
Hài là, sách giáo khoa phổ thông vừa phải là sản phẩm của công nghệ giáo dục, vừa phải là công cụ để tổ chức dạy học theo quan điểm của công nghệ dạy học.
Ba là, sách giáo khoa phổ thông mới phải là công cụ đắc lực của giáo dục phát triển bền vững để truyền bá tư tưởng và giá trị phát triển bền vững và để tổ chức giáo dục phổ thông theo quan điểm của giáo dục bền vững.
Dựa trên tầm nhìn và quan niệm trên về sách giáo khoa, PGS.TS Trần Đức Tuấn đưa ra các tiêu chuẩn và tiêu chí cơ bản đổi mới và hiện đại hóa sách giáo khoa.
Theo đó, tiêu chuẩn "tính sư phạm" thể hiện qua các tiêu chí: Tăng cường hoạt động học (định hướng hành động và tạo điều kiện để giáo viên tổ chức hoạt động); phù hợp với học sinh (việc thiết kế nội dung và hình thức trình bày của sách giáo khoa, đặc biệt là các bài học trong sách giáo khoa phải xuất phát và phù hợp nhu cầu, hứng thú và trình độ học sinh); tạo động cơ và lợi ích (sách giáo khoa, đặc biệt là các bài học, phải có khả năng tạo và kích thích động cơ, đem lại niềm vui và lợi ích cho học sinh trong học tập).
Tiêu chuẩn "tính hiện đại" thể hiện qua các tiêu chí: Chuẩn hóa (các kiến thức, kỹ năng, phương pháp và giá trị được trình bày trong sách giáo khoa phải được chuẩn hóa. Đó phải là các kiến thức, kỹ năng, phương pháp và giá trị cơ bản mà học sinh cần phải tiếp thu);
Quy trình hóa: Tăng cường quy trình hóa các hoạt động nhận thức của học sinh trong các bài học trong sách giáo khoa, đặc biệt trong các bài học về kỹ năng và phương pháp;
Điện tử hóa: Thiết lập và tăng cường các mối liên hệ việc khai thác kiến thức trong sách giáo khoa với việc sử dụng máy tính và internet.
Tiêu chuẩn "tính thực tiễn và tính bền vững" được thể hiện cụ thể qua các tiêu chí:
Phát triển năng lực hành động: Nội dung, cấu trúc, hình thức thể hiện sách giáo khoa cần tạo điều kiện để hình thành và phát triển không chỉ kiến thức, kỹ năng mà còn giá trị và thái độ hành vi cho học sinh;
Gắn liền với thực tiễn cuộc sống: Lựa chọn các vấn đề nội dung, kiến thức, kỹ năng và giá trị mang tính thực tiễn cao, liên quan đến cuộc sống hàng ngày của học sinh và tạo điều kiện để học sinh ứng dụng những điều đã học trong cuộc sống;
Tăng cường tích hợp và kết nối: Tích hợp và lồng ghép các vấn đề và giá trị phát triển bền vững vào trong sách giáo khoa, thiết kế các bài học theo quan điểm của giáo dục phát triển bền vững và tăng cường thể hiện các kết nối (về không gian, thời gian và các lĩnh vực...);
Khuyến khích tự học và học suốt đời: Xây dựng các yếu tố cấu thành trong sách giáo khoa, tạo điều kiện để học sinh tự học và phát triển năng lực học suốt đời.
"Đây cũng có thể coi là những tiêu chuẩn và tiêu chí để xác định thế nào là một cuốn sách giáo khoa tốt, có chất lượng, được xây dựng theo quan điểm đổi mới và hiện đại hóa sách giáo khoa" - PGS.TS Trần Đức Tuấn nhấn mạnh.
Xây dựng SGK phát triển năng lực hoạt động
Theo PGS.TS Trần Đức Tuấn, nếu chương trình và sách giáo khoa xây dựng theo tiếp cận vào nội dung chú trọng đến việc phát triển các tri thức khoa học cơ bản của nhân loại trong các môn học riêng biệt và đề cao khả năng ghi nhớ, tái tạo kiến thức sẵn có của học sinh, thì chương trình - sách giáo khoa mới được xây dựng theo tiếp cận đầu ra, coi trọng việc phát triển năng lực hành động, đặc biệt là năng lực phát triển bền vững của học sinh.
Những năng lực cốt lõi này rất cần thiết, giúp học sinh sau khi rời ghế nhà trường có khả năng sống bền vững và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động kinh tế - xã hội.
Cho rằng, năng lực hành động được coi là cơ sở để lựa chọn nội dung sách giáo khoa, để xác lập và tổ chức các điều kiện và các hoạt động giáo dục, PGS.TS Trần Đức Tuấn cũng đưa ra các đặc trưng nổi trội của chương trình - sách giáo khoa được xây dựng và phát triển theo tiếp cận năng lực, đó là:
Mục tiêu tối cao của chương trình - sách giáo khoa là phát triển năng lực hành động. Năng lực ở đây được hiểu là tổng hòa kiến thức, kỹ năng, phương pháp, giá trị, động cơ và hành vi thái độ. Không chỉ năng lực chuyên biệt ở từng môn học, mà cả năng lực chung (xuyên môn) cũng được chú trọng phát triển;
Chương trình - sách giáo khoa sẽ tạo nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi để học sinh vận dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn đời sống hàng ngày với thái độ, động cơ, xúc cảm thân thiện với con người và môi trường. Hiệu quả học tập phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tham gia của học sinh vào quá trình học tập, vì vậy, học sinh là người có vai trò chính trong việc học của mình;
Logic khoa học bộ môn không phải thành tố duy nhất chi phối việc tổ chức nội dung, xây dựng cấu trúc và hình thức thể hiện của chương trình và sách giáo khoa. Định hướng và tổ chức các hoạt động, tạo động cơ, hứng thú và niềm vui trong học tập cũng như coi trọng việc hình thành các kết nối khác nhau đang trở thành những thành tố quan trọng, định hướng và chỉ đạo việc phát triển chương trình và sách giáo khoa hiện đại...
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại