Sứ mệnh cầm quyền của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đưa Đảng ta từ vai trò một tổ chức chính trị vận động, tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng bước lên vũ đài một Đảng cầm quyền. Đây là sự biến đổi về chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là bước ngoặt mới trong lịch sử chính trị Việt Nam.

 
Hội nghị lần thứ XII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận, quyết định
những vấn đề hệ trọng của Đảng và đất nước. (Ảnh minh họa: HH)

Với vị thế của Đảng cầm quyền, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân cũ và mới, cũng như bảo vệ thành công chủ quyền, độc lập dân tộc. Những chiến thắng oanh liệt của nhân dân ta đã mở ra cơ hội phát triển cho đất nước. Sau khi thống nhất nước nhà, Đảng ta trăn trở tìm kiếm con đường đổi mới đất nước, trước hết là đổi mới kinh tế. Có thể nhận định rằng, 30 năm đổi mới, đất nước đã có bước tiến dài và giành những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc thời đại; đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh, quốc phòng được giữ vững; hạ tầng cơ sở đã có vóc dáng hiện đại; thế và lực đất nước đã được tăng cường, đất nước ngày càng có vai trò trong cộng đồng quốc tế…

Từ thực tiễn cuộc sống có thể nói rằng, so với thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh những thành tựu mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng to lớn như thế, nhưng trong quá trình đổi mới cũng sinh ra không ít những vấn đề như là những trở lực cho xây dựng, củng cố niềm tin trong quan hệ Đảng và Dân. Trong đó có vấn đề xây dựng con người và văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chưa đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, ngay trong đội ngũ “công bộc của dân” lại có “một bộ phận không nhỏ” vừa làm suy yếu Đảng, vừa làm lòng dân ly tán, vừa làm nghèo đất nước. Cho nên, Đảng và nhân dân ta đều chưa hài lòng với những hạn chế đang là lực cản của sự phát triển đất nước, nếu không, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta còn đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

Để loại bỏ nhưng nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra, nhất là trong bối cảnh quốc tế, khu vực đang tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa chủ quyền đất nước, đã đến lúc Đảng phải đẩy mạnh đổi mới hệ thống của mình ráo riết hơn bao giờ hết để tăng cường sự quy tụ sức mạnh toàn dân tộc. Thực tế, vấn đề này, Đảng cũng đã đề cập nhiều lần, nhưng chưa đạt kết quả mong muốn. Hy vọng, Đại hội XII của Đảng lần này sẽ tạo ra bước đột phá về đổi mới Đảng theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, đảm bảo năng lực cầm quyền thông qua lãnh đạo nhà nước và xã hội có hiệu quả, hiệu lực và thiết thực với cuộc sống của nhân dân.

Trước hết, làm thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi sự “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI) càng sớm càng tốt để Đảng ta thực sự trong sạch và có điều kiện nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, để được dân tin yêu như xưa; làm thế nào để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân để Đảng “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã từng tự hào.

Những câu hỏi ấy đang đặt ra và phải được giải quyết bằng các quan điểm, phương hướng đổi mới hệ thống bộ máy Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trước hết là bổn phận tự thân của Đảng, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn thể nhân dân lao động đối với Đảng cầm quyền.

Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và hiệu quả quản lý của chính quyền đang là một đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thực tiễn hoạt động của nhà nước và sự phát triển đất nước luôn là tấm gương phản chiếu trung thực trình độ, năng lực cầm quyền của Đảng ta.

Do đó, từ kinh nghiệm tích lũy được qua thực tiễn 70 năm cầm quyền, Đảng ta đã đến lúc phải đổi mới về thiết chế cầm quyền trong thời kỳ phát triển mới. Trước hết là đổi mới bộ máy trong hệ thống Đảng. Cần thiết phải nhận diện thực trạng bộ máy và sự hoạt động của hệ thống bộ máy đang diễn ra như thế nào trên phạm vi cả nước. Trong phần đánh giá công tác xây dựng Đảng 5 năm qua, Dự thảo nêu rõ: “Tổ chức bộ máy của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhưng nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ…”. Những nhận định trên là hoàn toàn xác thực về những lực cản trong quá trình vận động của bộ máy và là một thực trạng chưa được cải thiện sau nhiều chủ trương đã đề cập, nhất là tinh thần Đại hội XI đã nhấn mạnh.

Cần thẳng thắn nói rằng, hôm nay, hệ thống bộ máy Đảng đang song song cùng hệ thống bộ máy nhà nước. Hai hệ thống bộ máy với hai dạng quyền lực khác nhau (Quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực pháp lý của Nhà nước), trên thực tế, đã làm cho bộ máy chung vừa cồng kềnh, tốn kém vật chất, vừa lãng phí nhân lực. Cụ thể, cần xem xét các ban đảng trong quan hệ với các bộ máy tương ứng của nhà nước có việc gì chồng chéo không, hoạt động có hiệu quả và thiết thực không? Hệ thống các ban Đảng và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội (tất cả đều thụ hưởng ngân sách nhà nước) từ Trung ương đến cơ sở có tổng số bao nhiêu nhân lực? Hàng năm ngân sách chi cho đội ngũ này hoạt động và cả chế độ hưu trí là bao nhiêu? Tách bạch hai thệ thống Đảng và chính quyền như thế có lãng phí nguồn nhân lực hay không? Có gia tăng ngân sách không? Và đã gắn trách nhiệm với dân, với nước, tức với pháp luật chưa? Liệu có cách nào tổ chức vấn đề này cho khoa học hơn, gọn mà hiệu quả, có trách nhiệm pháp luật hơn không?

Yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng theo hướng gọn nhẹ, nhưng tăng cường trách nhiệm của những đại biểu của Đảng được giao tham gia cầm quyền. Phải chăng, có thể lồng ghép nội dung hoạt động của Đảng với nội dung quản lý chính quyền chặt chẽ hơn. Đối với những đảng viên được đảm nhận công tác quản lý nhà nước, thì sự lồng ghép ấy là cơ sở để đánh giá điều kiện thực thi trách nhiệm cầm quyền của Đảng thông qua các đảng viên như họ. Hệ quả, giảm thiểu bộ máy và nhân sự hệ thống chính trị, tạo cơ chế gắn chặt những hoạt động của nhân lực chuyên trách công tác Đảng với thực tiễn quản lý nhà nước, gắn với trách nhiệm cầm quyền của Đảng. Xin đơn cử, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tỉnh hiện có số lượng nhân lực khá lớn, có nhiệm vụ tham mưu về tổ chức và cán bộ, một bên cho cấp ủy, một bên cho chính quyền. Thực tế, theo phân cấp, có những chức danh cán bộ chính quyền do tham mưu cấp ủy trình lãnh đạo cấp ủy. Liệu có phương án hợp nhất nội dung hoạt động của hai bộ phận này không? Nếu được, khi đó, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ kiêm Giám đốc Sở Nội vụ. Theo logic ấy, những bộ phận khác cũng có thể nhất thể hóa để nâng cao chất lượng, trách nhiệm của bộ máy và của cán bộ là người đứng đầu tổ chức.

Có thể thấy rằng, chủ trương, đường lối của Đảng đã được nghị quyết hóa ở các cấp bộ đảng, có những chủ trương, đường lối lại được thể chế hóa, thì đảng viên giữ vị trí nhất định trong hệ thống quản lý nhà nước, đương nhiên phải chấp hành, phải vận dụng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Đảng. Khi đó, các bộ phận tham mưu của Đảng cần tập trung cho khâu xây dựng Đảng với số lượng nhân sự gọn nhẹ, hợp lý và có chất lượng cao.

Tái cấu trúc thiết chế lãnh đạo như hiện nay sang cấu trúc cầm quyền theo hướng minh bạch trách nhiệm của những đại biểu của Đảng được bầu vào hệ thống quản lý nhà nước. Trách nhiệm ấy phải được bảo đảm bằng pháp luật. Có lẽ đây là một trong các cách để nâng cao hiệu quả cầm quyền của Đảng và tăng cường trách nhiệm Đảng cầm quyền với dân, với nước được rõ ràng hơn. Khi trách nhiệm trước pháp luật của các đảng viên tham gia cầm quyền (quản lý nhà nước) đã minh bạch thì sự giám sát của dân được rõ ràng hơn, pháp luật có hiệu lực hơn và cơ hội gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng sẽ giảm thiểu hơn.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam