Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2015

Trong hai ngày 30/9 và 1/10/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2015.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và một số nội dung quan trọng khác.

I/ KINH TẾ - XÃ HỘI

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, quý III đạt 6,81%, 9 tháng đạt 6,5%. Trong đó, công nghiệp tăng 9,57%, nông nghiệp ước tăng 2,08%, dịch vụ ước tăng 6,17%. Ước cả năm GDP tăng trên 6,5%, vượt kế hoạch đề ra (6,2%), cao nhất trong 8 năm qua.

Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng 9,57%, thực sự trở thành động lực chủ yếu tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,8%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%, cao nhất kể từ năm 2011, thể hiện niềm tin tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tăng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thu NSNN từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ và những khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kết quả đạt được rất đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó chính sách kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015.

“Từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục nỗ lực, phát huy những gì đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế để đạt kết quả cao hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối.

Tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, công trình thủy lợi cấp bách, qua đó làm tăng tổng cầu và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức thu hút và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA với EU và TPP trong thời gian tới. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế.

Các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 19. “Không được thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, phải quyết liệt hơn nữa với các việc làm cụ thể, không chỉ trên giấy tờ mà trên cả thực tiễn, như ngành Tài chính tập trung hơn nữa vào lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm; ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung vào lĩnh vực đất đai… Tôi nhắc lại đây hoàn toàn là những việc nằm trong tầm tay, không có gì xa vời” - Thủ tướng nói

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, khẩn trương hoàn thành dự thảo và các thủ tục để ban hành các văn bản kịp thời, tránh để nợ đọng ban hành văn bản.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa; Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý hiệu quả nợ xấu.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, hỗ trợ hộ cận nghèo. Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Các ngành, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Về chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung thực hiện tốt việc chuẩn bị các báo cáo trình bày và gửi Quốc hội, chuẩn bị nội dung giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp; tích cực tham gia các phiên thảo luận của Quốc hội, chủ động phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Về các báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, cập nhật lại số liệu, làm rõ hơn mặt được, chưa được, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục.

Về định hướng khung cân đối ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2016, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là 5 năm tới, phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng tích cực hơn, chi thường xuyên giảm, chi đầu tư tăng lên, dứt khoát bội chi là để chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn nợ công.

II/ MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC

- Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trình bày Báo cáo đề xuất việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô. Theo Bộ Giao thông vận tải, việc thu phí là đúng với quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh phí, lệ phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tình hình kinh tế -xã hội, cũng như cách thức thực hiện của các địa phương là khác nhau (tổ chức thu, tỷ lệ trích lại cho các đơn vị thu, công tác thống kê, tuyên truyền...), chế tài xử phạt còn hạn chế, đặc thù phương tiện xe mô tô của nước ta... dẫn đến việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là xe mô tô đạt hiệu quả thấp, gặp rất nhiều khó khăn. Mặc khác, việc thu phí với xe mô tô chưa có tiền lệ, có tính xã hội cao và việc tạm dừng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với đề xuất về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô từ ngày 1/1/2016, giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 và Nghị định 56/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, báo cáo Chính phủ.

- Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo tóm tắt về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015. Theo Báo cáo, trên phạm vi cả nước có 878.198 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 91,71% (năm 2014, tỷ lệ này là 99,02%). Sau 2 đợt xét tuyển ĐH, CĐ, theo báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ, các trường đã xét tuyển được 463.537 chỉ tiêu, đạt 89,75%, trong đó, các trường ĐH xét tuyển được 391.930 chỉ tiêu (gồm 365.091 chỉ tiêu ĐH và 26.839 chỉ tiêu CĐ), các trường CĐ xét tuyển được 71.607 chỉ tiêu, đạt 64,63%.

Thủ tướng nhận định, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 cơ bản là thành công, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; kết quả đánh giá sát thực tế. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hạn chế như công tác truyền thông chưa được chú trọng; việc chỉ đạo hướng dẫn xét tuyển trong đợt 1 còn lúng túng, chưa chặt chẽ. “Chúng ta cần rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, nghiêm túc nhìn nhận sơ suất để năm sau làm tốt hơn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

- Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, cho ý kiến về: Báo cáo thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam; Báo cáo về việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế thanh toán bảo hiểm y tế; vấn đề tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp y tế ở địa phương; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân; Báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); Tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Nguồn Văn phòng Chính phủ