1. Một số ý kiến lo ngại lãi suất huy động tăng do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỉ giá có thể dẫn đến tăng lãi suất cho vay, đi ngược với chủ trương tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Xin cho biết chỉ đạo của Chính phủ đối với vấn đề này?
Trả lời:
Thời gian qua, trước những biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá 1% và nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, phù hợp, hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài.
Tuy nhiên, do lạm phát đang ở mức thấp, để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Thực tế mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định sau khi điều chỉnh tỉ giá và so với cuối năm 2014 đã giảm khoảng 0,2-0,5%/năm.
Từ nay đến cuối năm và đầu năm 2016, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước, có đối sách, giải pháp phù hợp, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
2. Nhiều chuyên gia tâm huyết xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam nhận định: Gạo Việt thiếu thương hiệu chủ yếu do cách điều hành của nhà quản lý, tập trung vào số lượng, bán sản phẩm thô mà ít nghĩ đến chất lượng. Xin Người Phát ngôn cho biết Chính phủ đã có những chỉ đạo gì về việc này?
Trả lời:
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Để đạt được kết quả này, chúng ta đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trong đó có nhiều giải pháp về xây dựng thương hiệu.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, để tiếp tục khẳng định vị trí của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó đề ra nhiều giải pháp phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp bảo đảm chất lượng và đưa gạo Việt Nam tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của cả Chính phủ, các cơ quan, địa phương liên quan và của doanh nghiệp, người nông dân.
3. Vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành kết luận thanh tra một số dự án BOT, trong đó không thống nhất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tổng mức đầu tư các dự án, chênh lệch nghìn tỷ đồng. Bộ GTVT đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời:
Thanh tra Bộ KH&ĐT đang tiến hành thanh tra đối với 17 dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BT tại Bộ GTVT. Kết quả thanh tra đối với từng Dự án cụ thể được đoàn Thanh tra lập và công bố theo quy định. Khi kết thúc Kế hoạch thanh tra, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp chung kết quả thanh tra 17 dự án, dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01/2016.
Ngày 08/9/2015, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo giải trình và tiếp thu một số nội dung trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Bộ cũng trình bày một số vấn đề về cách tính tổng mức đầu tư... để làm rõ hơn các nội dung kết luận thanh tra. Theo đó tổng mức đầu tư là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn phục vụ đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát, lãng phí hoặc khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí.
Khi Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra 17 dự án, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Sau TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội cũng xảy ra tình trạng ngập và tắc đường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thực trạng này bộc lộ việc quy hoạch, quản lý đô thị ở hai thành phố lớn có vấn đề nghiêm trọng như quá tải nhà cao tầng, hệ thống giao thông, thoát nước còn kém... Chính phủ sẽ cùng hai Thành phố giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
Tình trạng ngập lụt, tắc đường ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là do nhiều nguyên nhân. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và hai Thành phố tập trung giải quyết và đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn bất cập.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền hai Thành phố và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các quy hoạch thoát nước, chống ngập đã được phê duyệt; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và giải pháp phù hợp, tạo chuyển biến căn bản, rõ rệt, trong đó có các công trình, dự án quan trọng như: Tại TP Hồ Chí Minh là dự án Tham Lương - Bến Cát, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng; tại Hà Nội là dự án bơm tiêu công suất lớn ở Yên Nghĩa, Nhà máy xử lý nước thải ở Yên Xá, mở rộng trạm bơm Yên Sở, đẩy nhanh tiến độ của dự án thoát nước giai đoạn 2, nạo vét sông Tô Lịch, sông Nhuệ,...
Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị; trong đó, tập trung rà soát các quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật...
5. Việc thu Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (HSSV) theo quy định mới (đóng 15 tháng thay vì 12 tháng, mức đóng cao theo lương) gây khó khăn cho nhiều gia đình, phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn; các trường học và địa phương lúng túng trong việc thu phí bảo hiểm y tế. Trong khi đó, quá trình triển khai bảo hiểm y tế bắt buộc trong khám, chữa bệnh học sinh, sinh viên còn bất cập, chưa hiệu quả. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với vấn đề này?
Trả lời:
Quan điểm của Chính phủ đã được nêu tại Chỉ thị 05/CT-TTg về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT). Quá trình thực hiện phải bảo đảm công bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, về thời gian đóng BHYT, để thống nhất việc thu, đóng, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), thanh quyết toán chi phí, Thông tư liên tịch số 41/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính đã hướng dẫn việc thu BHYT theo năm tài chính thay vì thu theo năm học như trước đây, nghĩa là từ 01/01 đến 31/12 của năm. Quy định áp dụng thống nhất tất cả các nhóm đối tượng trong nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi tham gia BHYT. Năm học 2015-2016 là năm đầu triển khai theo cách thu mới. Số tháng được tính gồm 12 tháng của năm 2016 và 03 tháng còn lại của năm 2015 (theo cách thu cũ), tổng cộng là 15 tháng, các năm sau là 12 tháng. Tuy nhiên, khi thực hiện, một số cơ sở giáo dục thu gộp 15 tháng đóng một lần gây khó khăn cho phụ huynh học sinh, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và BHXH VN đã chỉ đạo các cơ sở thu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC. Việc thực hiện thu với thời gian 06 tháng/lần. Riêng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ thu trước 03 tháng năm 2015. Hiện tại Bộ Y tế, BHXH VN phối hợp với các cơ quan chức năng đang giám sát, kiểm tra việc thực hiện thu BHYT theo chỉ đạo trên.
Về việc điều chỉnh mức đóng BHYT, theo quy định pháp luật về BHYT có hiệu lực từ 01/01/2015, mức đóng BHYT của các đối tượng, trong đó có HSSV được điều chỉnh từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở để phù hợp với yêu cầu mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nâng mức BHYT thanh toán khám, chữa bệnh cho người nghèo từ 95% lên 100%, cận nghèo từ 80% lên 95%; đồng thời thống nhất mức đóng giữa các đối tượng tham gia. Việc điều chỉnh tăng mức đóng BHYT nhưng cơ bản HSSV đều được NSNN hỗ trợ đóng BHYT ở các mức khác nhau:
- HSSV thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của đối tượng thuộc Lực lượng vũ trang được NSNN đóng 100%.
- Học sinh sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo được NSNN hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT, HSSV đóng 30% là 186.300 đồng/năm
- Học sinh sinh viên khác được NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT, HSSV đóng 70% là 434.700 đồng/năm.
6. Tại cuộc gặp gỡ các nhà khoa học trẻ ngày 11/9/2015, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho sáng chế kính thông minh “Mắt thần” (Haptic Eyes) của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh để sản xuất kính thông minh cho người mù. Xin cho biết các cơ quan chức năng sẽ thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như thế nào?
Trả lời:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi làm việc với Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Trung ương Đoàn đã thống nhất về kế hoạch triển khai, theo đó, Bộ KH&CN tổ chức thẩm định công nghệ, năng lực, chất lượng và chi phí sản xuất; Trung ương Đoàn tổ chức khảo sát, lắng nghe ý kiến góp ý, tổng hợp nhu cầu sử dụng; tư vấn, hỗ trợ Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải xây dựng dự án tổng thể cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư sản xuất sản phẩm Kính thông minh.
Các nội dung trên sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2015, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung cấp quốc gia được coi là giải pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông thầu, đẩy giá thuốc lên cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Xin Chính phủ cho biết đến khi nào biện pháp trên sẽ được thực hiện? Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hay Bộ Y tế sẽ được giao chủ trì thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia?
Trả lời:
Thực hiện quy định tại Điều 49, Điều 51 của Luật Đấu thầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong đó đã giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung; xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương. Theo báo cáo của Bộ Y tế, các Thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong các cơ sở y tế, bao gồm cả hướng dẫn đấu thầu tập trung và đàm phán giá; các danh mục thuốc: do cơ sở y tế đấu thầu, đấu thầu tập trung, đàm phán giá đang được Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thiện để ban hành trong Quý IV năm 2015, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo đúng quy định.
8. Nhiều ý kiến còn lo ngại về sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, cho rằng có thể “thua trên sân nhà” khi Hiệp định TPP được ký kết, các nước có nền nông nghiệp mạnh, nhất là trong chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Australia có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường chăn nuôi Việt Nam. Xin cho biết chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời:
Việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho nước ta, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản như thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò và hoa quả.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Đoàn đàm phán của ta đặc biệt quan tâm tới những lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mở thêm thị trường cho xuất khẩu nông sản; thực hiện bảo hộ hợp lý, nhất là những ngành có khả năng cạnh tranh thấp để có thêm thời gian cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả.
Theo tinh thần đó, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ được thực hiện theo lộ trình hợp lý để các ngành chăn nuôi nước ta có điều kiện vươn lên cạnh tranh. Theo tính toán thì ngành này sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định.
9. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong 10 năm qua. Đây là diễn biến tiếp theo khi mà hai năm qua, nhiều tháng lạm phát xuống rất thấp so với thường lệ. Chính phủ phân tích hiện tượng này như thế nào?
Trả lời:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh.
Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng thấp, tuy nhiên, không có biểu hiện giảm phát mà còn có lợi cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trên thực tế, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh: Tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,1% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,3%). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước: tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ các năm 2011: 6,03%; 2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%).
10. Mặc dù cơ quan chức năng đã có một số biện pháp hành chính nhưng tình trạng giá hàng hóa, đặc biệt là giá cước vận tải, taxi, thực phẩm chưa điều chỉnh tương ứng với việc giảm giá xăng đã kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Xin cho biết chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời:
Theo quy định pháp luật về quản lý giá, cước vận tải hành khách tuyến cố định, cước vận tải hành khách bằng taxi, cước vận tải bằng xe buýt thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá. Đối với các mặt hàng này, cơ quan chức năng theo thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá và có những điều chỉnh phù hợp với biến động giá xăng dầu trên thị trường.
Tuy nhiên, biến động giá xăng dầu còn ảnh hưởng đến một số mặt hàng khác liên quan đến đời sống của đông đảo nhân dân, các cơ quan chức năng đang chỉ đạo xem xét mức độ ảnh hưởng để có những kiến nghị điều chỉnh các quy định về quản lý giá cho phù hợp.
Nguồn Văn phòng Chính phủ