Xem xét tăng độ tuổi phục vụ, nâng cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp

Sáng 23/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) theo cấp bậc quân hàm là: Cấp uý: nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi; Thiếu tá: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Trung tá: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Khi hết hạn tuổi phục vụ, nếu Quân đội có nhu cầu và quân nhân chuyên nghiệp có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 01 năm đến 05 năm, nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.

 

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình.
(Ảnh: TTXVN)

Đối với một số chức danh như chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa..., để đảm bảo đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, dự thảo Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là từ 35 - 40 tuổi tùy theo từng đối tượng và khi hết hạn tuổi phục vụ thì được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm vị trí chức danh khác.

Về cấp bậc quân hàm QNCN, dự thảo Luật quy định bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, phù hợp với từng trình độ đào tạo và mức lương được hưởng.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết nâng Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng lên thành Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thảo luận về hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp, một số ý kiến đề nghị, nâng độ tuổi của cấp úy QNCN (cả nam và nữ) lên 53 tuổi để được hưởng lương hưu là 75% vì số lượng QNCN cấp úy nhiều và đề nghị thống nhất một độ tuổi phục vụ đối với cấp Thiếu tá và Trung tá (cả nam và nữ) là 54 tuổi.

Giải trình về một số vị trí chuyên môn kỹ thuật đặc thù như: Chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, diễn viên múa... hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là từ 35 - 40 tuổi, đại diện Ban soạn thảo Luật của Bộ Quốc phòng cho rằng, đối tượng này đến tuổi 35-40 do đặc thù quân sự, đối tượng này không đủ điều kiện sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Những đối tượng này sẽ được điều chuyển, đào tạo lại để chuyển sang vị trí chức danh khác cho phù hợp cho đến khi hạn tuổi cao nhất để về hưu.

Về cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, đại diện Ban soạn thảo Luật đề nghị, giữ nguyên như trong Dự thảo luật vì hiện nay, bậc lương cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp (bậc 12/12) có hệ số lương tương đương hệ số lương của sĩ quan có cấp bậc quân hàm Thượng tá. Do vậy, dự thảo Luật quy định cấp bậc hàm của quân nhân chuyên nghiệp từ cấp Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp đến cấp Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp là phù hợp, kế thừa quy định hiện hành của pháp luật và thực tế thực hiện từ trước đến nay không có vướng mắc.

Có ý kiến đề nghị bổ sung cấp bậc quân hàm Đại tá quân nhân chuyên nghiệp cho người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ. Giải thích rõ vấn đề này, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lý giải, nên giữ nguyên bậc quân hàm cao nhất đối với QNCN là Thượng tá để nhằm phân biệt giữa sỹ quan chỉ huy với sỹ quan chuyên môn kỹ thuật. Sỹ quan chuyên môn kỹ thuật từ trước đến nay kịch trần bậc 12/12, tương đương Thượng tá. Mặt khác, trong quân hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư hay Tiến sĩ chỉ là chức danh khoa học, bên Quân đội không tính vào quân hàm.

Về phụ cấp thâm niên, một số ý kiến đồng tình tất cả các đối tượng là công nhân, viên chức quốc phòng đều được hưởng phụ cấp thâm niên trong thời gian phục vụ trong quân đội./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam