Võ Văn Phải
Chánh Thanh tra tỉnh
|
Võ Văn Phải Chánh Thanh tra tỉnh |
(NTO) Trong nhiệm kỳ qua, Thanh tra tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn bám sát các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, cùng với sự hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo ngành thanh tra thực hiện nhiệm vụ và đạt được kết quả như Báo cáo Chính trị trình Đại hội đã nhận định “Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực”.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra vẫn còn những hạn chế như: Thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra ở một số cuộc thanh tra còn để kéo dài; công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra ở một vài đơn vị Thanh tra sở, huyện, thành phố tuy đã được quan tâm nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị, địa phương lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức, còn vụ việc giải quyết chưa kịp thời, không đảm bảo thời gian quy định. Công tác phòng, chống tham nhũng của một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm dẫn đến việc thực hiện chưa nghiêm túc như: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng chưa sâu, kỹ; xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm chưa đầy đủ; chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức,…
Để đạt được kết quả trên, ngoài việc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Thanh tra đã rút ra một số nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đó là, Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của Thanh tra Chính phủ, sự giám sát của HĐND, Mặt trận, đoàn thể các cấp, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành trong tỉnh. Tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế về thanh tra, phục vụ công tác thanh tra. Chủ động bám sát cơ sở thông qua việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này và phòng ngừa vi phạm. Tăng cường công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Phát huy tinh thần đoàn kết, tính năng động, sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành thanh tra. Quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thường xuyên giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức có quan điểm, tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, hướng dẫn của ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong những năm tới, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Thanh tra tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, gắn với việc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc lãnh đạo và thực hiện công tác quản lý nhà nước. Hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Hai là, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; tập trung rà soát, giải quyết các vụ tồn đọng, phức tạp; giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ba là, thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch của tỉnh về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, ngành thanh tra Ninh Thuận tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
- Về công tác thanh tra: Tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành. Hoạt động thanh tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; tăng cường công tác đôn đốc thực hiện kết luận, xử lý sau thanh tra nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tiếp tục tham mưu tốt việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19-9-2013 của Thanh tra Chính phủ trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đôn đốc việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
- Về công tác phòng, chống tham nhũng: Tiếp tục tham mưu tốt việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; tăng cường hướng dẫn giúp các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với công tác thanh tra trách nhiệm phòng, chống tham nhũng.
- Về công tác xây dựng ngành: Thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động thanh tra; chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất với Thanh tra Chính phủ các cơ chế, chính sách về tổ chức, hoạt động của cơ quan Thanh tra, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và Luật Thanh tra.