Phạm Đồng
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư
|
Phạm Đồng Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư |
Một là, bám sát quy hoạch, tăng cường quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch, để khai thác và sử dụng các nguồn lực đầu tư một cách có hiệu quả cao nhất. Theo đó, trong giai đoạn tới tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch để thông qua đó phát hiện, đánh giá đúng mức tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, của từng ngành, từng địa phương, lĩnh vực, nhất là tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, về đất đai, tài nguyên khoáng sản được xác định là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, từ đó xác định chiến lược huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo cách đi riêng, khác biệt, mang tính cạnh tranh cao, để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác quy hoạch quyết liệt hơn và đồng bộ tất cả các khâu của công tác quy hoạch, cũng như bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp giữa các loại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm các loại quy hoạch phải phù hợp, thống nhất với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế của Tỉnh và chủ trương nâng cao chất lượng tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
Hai là, tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của Trung ương và Chính phủ, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật quan trọng, cấp thiết tạo động lực, hiệu ứng lan tỏa bứt phá, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó khâu đột phá vẫn là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo kết nối với các công trình hạ tầng trọng điểm của tỉnh và các tỉnh trong vùng để khai thác các lợi thế phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương. Theo đó, trong 5 năm tới tập trung đầu tư một số tuyến đường quan trọng, cấp bách để liên thông, kết nối với các tuyến QL1A, QL27A, 27B, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên huyện, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời tạo điều kiện để sắp xếp, bố trí lại dân cư vùng nông thôn, miền núi, ven biển, đáp ứng yêu cầu bảo về Tổ quốc trong tình hình mới, cũng như phục vụ nhu cầu xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh.
Tuyến đường ven biển đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Ảnh: Hồng Lam
Về hạ tầng thủy lợi: Với đặc thù là vùng khô hạn nhất cả nước nên việc đầu tư các công trình thủy lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng để chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Định hướng trong 5 năm tới tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ các công trình thủy lợi quan trọng, cấp bách như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hệ thống liên thông các hồ và các công trình hồ chứa: Sông Than, Đa Mây, Kiền Kiền, Tân Giang 2 và hệ thống các kênh cấp 2, 3, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp phù hợp điều kiện của từng vùng và yêu cầu phát triển các loại nông sản đặc thù của tỉnh, để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi; đồng thời phục vụ cho yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ và phục vụ cho việc xây dựng và vận hành các dự án điện hạt nhân quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Về hạ tầng đô thị: Tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và các thị trấn huyện lỵ ngang tầm với một số đô thị lớn trong vùng, tạo động lực thúc đẩy, lôi kéo các vùng khác trong tỉnh phát triển.
Ba là, chủ động tiếp cận các nhà tài trợ trong vận động thu hút các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Có thể nói rằng nguồn vốn ODA là nguồn lực đầu tư hết sức quan trọng, nhưng nguồn vốn ODA hiện nay đang có sự điều chỉnh giảm dần sự ưu đãi, đến năm 2018 các cơ chế ưu đãi về ODA sẽ ít hơn, nhất là các khoản vay của các nhà tài trợ WB, ADB, do nước ta đã phát triển vượt các ngưỡng được ưu đãi theo quy định. Theo đó, trong thời gian tới tập trung khẩn trương hoàn thành sớm nhất, tốt nhất các thủ tục hồ sơ dự án để có thể tham gia ngay đối với các chương trình, dự án ODA đang triển khai và đã được Thủ tướng Chính phủ và nhà tài trợ đồng ý chủ trương mở rộng cho phép địa phương được tham gia bổ sung vào các chương trình dự án đang triển khai hoặc sắp triển khai; đồng thời khẩn trương hoàn tất thủ tục vận động các dự án ODA mới, nhất là các dự án thuộc các lĩnh vực an toàn hồ chứa, vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, phòng tránh thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu do Ngân hàng thế giới WB và các nhà tài trợ khác đang xúc tiến triển khai.
Bốn là, khuyến khích và huy động nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội theo cơ chế xã hội hóa và theo các hình thức đầu tư BOT, BT và đối tác công tư (PPP), được xem là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công bị hạn chế, với phương châm kết cấu hạ tầng nào mà nguồn vốn tư nhân làm được thì Nhà nước không làm. Theo đó, trong thời gian đến tập trung rà soát chuyển các dự án có lợi thế, có khả năng tạo nguồn thu sang đầu tư theo hình thức xã hội hóa và đối tác công tư, nhất là các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cảng biển, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp…, đồng thời đẩy mạnh huy động có hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư các công trình y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, xử lý nước thải, chợ, xử lý môi trường ... theo chính sách xã hội hóa đã được ban hành, để vừa có điều kiện cải thiện nhanh kết cấu hạ tầng, kịp đáp ứng các yêu cầu phát triển và an sinh xã hội, vừa giảm bớt áp lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Năm là, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển: Phải thấy rằng trong giai đoạn 5 năm tới, nước ta tiếp tục thực hiện đầy đủ hơn các cam kết WTO, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã được ký kết, sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới. Đồng thời trong nước, nhiều chính sách kinh tế vĩ mô lớn bắt đầu có hiệu lực thi hành như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi với nhiều quy định mới khá thông thoáng về thủ tục đầu tư, thủ tục thành lập và cơ chế quản lý có nhiều điểm mới, khác biệt, mang tính cạnh tranh cao, phù hợp điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho thu hút đầu tư vào Việt Nam nói chung và Ninh Thuận nói riêng. Tuy nhiên, hội nhập sẽ luôn song hành với cạnh tranh, hội nhập càng lớn, cạnh tranh càng gay gắt, nhất là hội nhập và cạnh tranh để thu hút các nguồn lực đầu tư trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và hội nhập quốc tế sâu như ngày nay thì cạnh tranh càng gay gắt hơn.
Theo đó, để đạt được mục tiêu: Tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian tới phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh theo tinh thần Chỉ thị số 59-CT/TU ngày 07-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2016 – 2020 đã ban hành, với trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện tốt nhất quy trình song song trong quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhằm giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành địa phương có môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh cao, tạo thuận lợi tốt nhất có thể cho các nhà đầu tư đến thực hiện dự án tại tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn ưu tiên của tỉnh, nhất là đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, để thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống các vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Sáu là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn lớn, các tổng công ty hàng đầu, có uy tín và có thương hiệu đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: năng lượng sạch, du lịch biển, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển. Đồng thời, coi trọng và làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, thông qua định kỳ tổ chức đối thoại, rà soát, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi sớm triển khai thực hiện các dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới việc thu hút các nhà đầu tư mới.
Bảy là, tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế theo hướng: tiếp tục mở rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng, nhất là các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của từng địa phương và lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về hạ tầng các tỉnh lân cận để tạo bước đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các các tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu, có uy tín trong và ngoài nước và các tổ chức quốc tế; tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác, kết nghĩa giữa Ninh Thuận với các tỉnh, thành phố của các nước có điều kiện tương đồng, để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của nhau, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển cho giai đoạn tới.