Phát huy truyền thống vẻ vang, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và những thành tích đạt được, Ninh Thuận sẽ có bước phát triển mạnh hơn, toàn diện hơn và vững chắc hơn

(Phát biểu của đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tại Đại hội)

Kính thưa các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ,

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa toàn thể Đại hội,

Trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước đang ra sức thi đua thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; hôm nay, Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, là sự kiện mở đầu cho một giai đoạn mới phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể Đại hội lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và lời chào nồng nhiệt nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

 
Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao phát biểu tại Đại hội.

Thưa các đồng chí,

Ninh Thuận là tỉnh có nhiều dân tộc anh em với nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận luôn nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đã tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm kỳ qua, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao và tư duy phát triển năng động, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đã mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các đột phá chiến lược về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội:

Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển khá, một số ngành, lĩnh vực phát triển nhanh và tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Hợp tác với các tỉnh trong khu vực được tăng cường; tiềm năng, lợi thế của tỉnh bước đầu được khai thác có hiệu quả, nhất là kinh tế biển. Thu ngân sách vượt chỉ tiêu kế hoạch; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư; thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt tiêu chí đô thị loại II.

Văn hoá-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực được nâng lên; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện. Các chính sách xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước cải thiện đáng kể. Quốc phòng-an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước đi vào chiều sâu. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) mang lại hiệu quả thiết thực. Hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước có nhiều tiến bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Phát huy dân chủ đã tạo sự thống nhất, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân cùng tập trung phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh không ngừng được củng cố. Diện mạo của tỉnh nhà từng bước được đổi mới và khang trang hơn, mang lại nguồn lực và sức mạnh mới, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước phát triển tiếp theo và đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, khí hậu khắc nghiệt, nhất là tình hình thiên tai, hạn hán gay gắt, kéo dài và diễn ra trên diện rộng trong năm qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh, thì những kết quả mà Ninh Thuận đã đạt được là rất đáng trân trọng và tự hào. Diện mạo của tỉnh nhà từng bước được đổi mới và khang trang hơn, mang lại nguồn lực và sức mạnh mới, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước phát triển tiếp theo và đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những thành quả quan trọng, toàn diện mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Thưa các đồng chí,

Thành tích trên là phấn khởi, nhưng nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận thì đến nay, Ninh Thuận vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Về kinh tế, tuy có tăng trưởng nhưng hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chưa khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về phát triển nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo; chưa tạo ra những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu gắn với thế mạnh của địa phương; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt thấp. Kết cấu hạ tầng còn bất cập; môi trường đầu tư chậm được cải thiện; một số dự án lớn trên địa bàn chậm triển khai. Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế so với các địa phương trong cả nước.

Phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiệu quả đạt thấp so với nguồn lực đầu tư, giảm nghèo chưa thật sự bền vững; đời sống vật chất, tinh thần một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình hình trật tự an toàn xã hội có lúc, có địa bàn còn diễn biến phức tạp.

Chất lượng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng còn nhiều bất cập. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng còn có những hạn chế nhất định; tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

Tôi đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, phân tích nhằm đánh giá thật sát, đúng tình hình, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đề ra cho nhiệm kỳ mới.

Thưa các đồng chí,

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2015-2020, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ đã nêu khá đầy đủ, đã có sự tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các tổ chức Đảng, đảng viên và Nhân dân; của các bộ, ban, ngành Trung ương và của Bộ Chính trị.

Năm năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình hình biển Đông; kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn; việc nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển nhưng cũng đặt ra nhựng khó khăn, thách thức không nhỏ. Nước ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước Á-Âu, và đang đàm phán với EU về Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuối năm nay cộng đồng kinh tế các nước Đông Nam Á sẽ hình thành trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy giảm, tình hình chính trị các nước Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp là cơ hội thu hút các nhà đầu tư thế giới nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, EU vào Việt Nam. Là nột tỉnh vừa có biển, đồng bằng và miền núi, hệ thống giao thông tương đối thuận lợi; nằm trên trục hạ tầng giao thông của cả nước; nằm trong khu vực các tỉnh ven biển miền Trung đang khởi sắc; ở gần Tây Nguyên-vùng có tiềm năng kinh tế lớn và gần miền Đông Nam Bộ-vùng kinh tế trọng điểm phát triển năng động của khu vực phía Nam. Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới: Chủ trương của Chính phủ triển khai một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng kết nối vùng, liên vùng như: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, nâng cấp Quốc lộ 1A; gần sân bay quốc tế Cam Ranh; tuyến đường ven biển đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; tiềm năng về điện gió, điện mặt trời; cảng nước sâu phát triển công nghiệp, kinh tế biển; Dự án hồ Tân Mỹ đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ cùng với các hệ thống thủy lợi trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả. Ngoài ra, Ninh Thuận còn được chọn là nơi xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực mới cho thu hút đầu tư và tăng trưởng nhanh, bền vững.

Để kịp thời nắm bắt được thời cơ và vận hội, biến nó thành giá trị hiện thực cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới, cần đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, coi trọng tính dự báo tình hình; tập trung công tác vận động, tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và mọi người dân cùng tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Để đạt được điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ phải đoàn kết một lòng, đổi mới toàn diện, năng động, sáng tạo, trách nhiệm và quyết tâm cao trong mỗi việc làm, mỗi hành động vì mục tiêu chung. Tại Đại hội này, tôi chỉ nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội nghiên cứu, thảo luận:

Một là, Đảng bộ tỉnh cần đánh giá đúng các tiềm năng và lợi thế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp đột phá chiến lược xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Bám sát các quy hoạch vùng, tiểu vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể của tỉnh đã được phê duyệt để xác định đúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cụ thể nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo bước phát triển mới cho tỉnh. Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào các lĩnh vực mũi nhọn như: Phát triển kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, công nghiệp vừa và nhỏ, chú ý phát triển kinh tế gắn với bảo vệ mội trường, phát triển bền vững.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững. Tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tỉnh cần tập trung rà soát, đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có khả năng chịu hạn gắn với ứng dụng công nghệ cao; quan tâm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về phát triển nông nghiệp trong điều kiện khô hạn, nhất là kinh nghiệm của Israen về công nghệ tưới nước nhỏ giọt để triển khai trên địa bàn.

Tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh như: nho, táo, tỏi, dê, bò, cừu... gắn với công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ; phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp và bán công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ. Phát triển đồng bộ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; chú trọng nâng cao năng lực tàu thuyền để khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển. Tiếp tục phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước.

Tập trung triển khai đạt kết quả các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhất là rừng đầu nguồn các hồ chứa nước, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng.

Trong phát triển dịch vụ thì du lịch vẫn là trọng tâm; do đó, trong thời gian tới, cần chú trọng phát triển hạ tầng du lịch, tăng cường liên kết với các thành phố: Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, gắn với TP. Hồ Chí Minh để phát triển du lịch; đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng..., hình thành các tour du lịch có chất lượng cao, tour du lịch cao cấp, tạo điểm nhấn riêng của du lịch Ninh Thuận để thu hút du khách.

Quan tâm phát triển công nghiệp năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời, các ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; chú trọng lựa chọn những nhà đầu tư lớn, có uy tín và đủ năng lực thực hiện.

Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Chú trọng nâng chất lượng đô thị đối với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, xây dựng đô thị văn minh, xanh-sạch-đẹp.

Hai là, Ninh Thuận là tỉnh có nhiều dân tộc và tôn giáo, vì vậy các đồng chí phải ra sức chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trọng tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, nhất là văn hóa dân tộc Chăm, Raglai; quan tâm lãnh đạo phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Đẩy mạnh công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Quan tâm tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia ngày càng tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn nhanh khoảng cách về trình độ phát triển giữa đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số so với các khu vực dân cư khác trong tỉnh.

Ba là, Ninh Thuận là địa bàn có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng-an ninh quốc gia; do đó, tỉnh cần lưu ý gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh; xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, phát triển kinh tế biển, đánh bắt gần bờ và xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Củng cố hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở gần dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận an ninh nhân dân; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Tăng cường công tác đối thoại với Nhân dân; tập trung giải quyết bức xúc, phát sinh ngay từ cơ sở.

Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để đẩy lùi tệ nạn xã hội và các loại tội phạm; đảm bảo an ninh, nhất là an ninh biển, nơi xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và những địa bàn trọng điểm. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác; xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị, nhất là ở vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc, những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự xã hội; chủ động đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, trong giai đoạn hiện nay, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng trong Đảng bộ; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ mang tính chiến lược, lâu dài, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ vùng tôn giáo. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với tinh giản biên chế; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Thực hiện tốt công tác dân vận và quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thưa các đồng chí,

Cùng với việc thảo luận Báo cáo Chính trị và góp ý văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu, trên tinh thần dân chủ, đoàn kết, đề cao trách nhiệm trước Đảng bộ, trước Nhân dân, sáng suốt lựa chọn bầu vào cấp ủy những đồng chí tiêu biểu, có đủ năng lực, bản lĩnh; đảm bảo cơ cấu hợp lý; đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Tôi cũng đề nghị Đại hội sáng suốt lựa chọn bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự và góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Thưa toàn thể Đại hội,

Đất nước ta đang trên đà phát triển và đang có nhiều cơ hội mới; cùng với cả nước, Ninh Thuận cũng đang có nhiều chuyển động tích cực. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và những thành tích đạt được, tôi tin tưởng rằng, nhất định Ninh Thuận sẽ có bước phát triển mạnh hơn, toàn diện và vững chắc hơn trong 5 năm tới.

Với điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn, tôi đề nghị các bộ, ngành Trung ương thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ để Ninh Thuận phát triển nhanh hơn, hoà nhịp cùng với tiến trình phát triển chung của đất nước, đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Một lần nữa, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý và toàn thể Đại hội sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn!