Lê Văn Bình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
|
Đồng chí Lê Văn Bình Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
(NTO) Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, phát huy những thành quả đã đạt được, cùng với quyết tâm chính trị cao và sự nỗ lực không ngừng từ nhiều phía, tỉnh ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đi đến thành công, gặt hái được những thành tựu bước đầu rất quan trọng và rất có ý nghĩa trong công cuộc phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng-an ninh, ổn định đời sống Nhân dân, đưa tỉnh nhà từng bước thoát khỏi tỉnh nghèo và chậm phát triển, dần khắc hoạ nên diện mạo mới của quê hương Ninh Thuận anh hùng.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản tạo ra “điểm nghẽn” cho quá trình phát triển mà một trong số đó là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn vận động phát triển xã hội và mong đợi của Nhân dân; đặc biệt chưa thật sự là đòn bẩy tạo ra động lực, sức mạnh cần và đủ để làm nên những bứt phá mới, đột phá mới cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây cũng là bài toán hết sức cấp thiết đặt ra cho công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn tới.
Thu nhập bình quân đầu người là chỉ tiêu KT-XH quan trọng phản ánh “mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư”. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của tỉnh Ninh Thuận đạt khoảng 1.400 USD, bằng 63% mức thu nhập bình quân đầu người cả nước là 2.200 USD và thấp hơn nhiều so các tỉnh lân cận như Khánh Hòa 2.650 USD, Lâm Đồng 2.360 USD, Bình Thuận 1.864 USD. Mục tiêu chúng ta đặt ra là thu hẹp khoảng cách này so với cả nước. Và như vậy, giải pháp chủ yếu là tạo ra những đột phá mới, mạnh mẽ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững giai đoạn tới. Phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo sự cân bằng, hài hòa và hợp lý ở các khu vực và trên tất cả các lĩnh vực. Từ định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, từ tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh lựa chọn, xác định nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa chỉ đạo, điều hành thực hiện.
Bộ mặt nông thôn mới các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.
Trong ảnh: Một góc khu dân cư Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm là huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị của tỉnh và xã hội thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn hỗ trợ, còn người dân đóng vai trò chủ thể trong suốt quá trình nhằm cải thiện rõ nét và nâng cao chất lượng cuộc sống của khu vực nông thôn; nhất là về thu nhập và văn minh nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 51% số xã (24/47 xã) đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo chất lượng, bền vững; đồng thời thúc đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất; chú trọng phát triển mô hình canh tác theo hướng tiết kiệm nước phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết của địa phương và tình hình biến đổi khí hậu; tập trung nguồn lực và trí tuệ để từng bước giải quyết cho được bài toán về nước cho đời sống, sản xuất và phát triển dịch vụ, công nghiệp. Vấn đề đặt ra không chỉ tăng cường đầu tư hồ đập, mà đi liền với nó là sự kết nối liên thông, điều tiết, quản lý, phân bổ nguồn nước trên phạm vi toàn tỉnh và thậm chí vươn ra cả khu vực sao cho Ninh Thuận có thể “chung sống” được với thiên tai, hạn hán luôn xảy ra thường trực. Song hành với phát triển nông thôn, có chương trình hành động cụ thể làm chuyển biến từng bước, vững chắc về phát triển KT-XH miền núi; đồng thời tập trung xây dựng phát triển, tạo ra diện mạo mới cho cuộc sống của người dân đô thị; nhất là cải thiện môi trường sống, đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ và từng bước, kiên trì xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.
Dây chuyền sản xuất bia lon tại Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận.
Hai là, tập trung khai thác nhanh, hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển tạo sự bứt phá mới, mạnh mẽ trong phát triển KT-XH gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia về biển, bao gồm: Đánh bắt, nuôi trồng, vận tải biển, công nghiệp muối, phát triển du lịch, khai thác tối đa hóa tiềm năng, lợi thế quỹ đất, tài nguyên ven biển... xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực phát triển kinh tế biển và tập trung chỉ đạo thực hiện.
Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để hấp thu một cách tốt nhất những cơ hội mang lại từ việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân quốc gia trên địa bàn và biến cơ hội thành yếu tố vật chất phục vụ cho yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; triển khai thực hiện ngay và phát huy hiệu quả về cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng KT-XH, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân sau khi Bộ Chính trị thông qua.
Ba là, tăng cường quản lý KT-XH theo pháp luật, áp dụng và vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, cơ chế pháp luật Nhà nước phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, địa phương đến năm 2020 theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trước hết là triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh nhà đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả và quản lý chặt chẽ các Quy hoạch phát triển ngành, địa phương; quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Quy hoạch phát triển dải ven biển, các Quy hoạch sử dụng đất đai, Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực...
Bốn là, chủ động rà soát và ban hành một số chính sách, cơ chế, nhất là chính sách và cơ chế về đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tài sản quan trọng, trong quá trình phát triển KT-XH, đòi hỏi phải sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư. Tiếp tục đổi mới phương thức huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP để khai thác, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, nhất là tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH; đẩy nhanh việc đầu tư nâng cấp cảng cá Ninh Chử thành cảng hàng hóa, đầu tư xây dựng cảng hàng hóa nước sâu Dốc Hầm, Cà Ná cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo NQ 03 của Tỉnh ủy nhằm giải quyết “điểm nghẽn” cho phát triển trong giai đoạn tới; đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương và làm tốt việc hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực.
Doanh nghiệp Chế biến xuất khẩu thủy sản Thông Thuận đầu tư mở rộng sản xuất,
giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Văn Miên
Phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, trọng tâm ưu tiên đầu tư phát triển các ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tạo bước bứt phá, thực hiện tăng trưởng nhanh, bền vững. Thường xuyên rà soát, lựa chọn các nhà đầu tư thật sự có năng lực, có quyết tâm đầu tư cao để thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, có tính chất đột phá trong các lĩnh vực lợi thế của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư tiếp theo. Huy động và sử dụng tối đa nguồn vốn ODA, NGO để đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực xóa đói, giảm nghèo các vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Giám sát chặt chẽ các điều kiện về môi trường đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án khai thác khoáng sản như: Titan, vật liệu xây dựng và các khoáng sản khác; kiên quyết không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; kiểm soát và có giải pháp hạn chế, từng bước khắc phục quá trình xâm nhập mặn do sản xuất muối công nghiệp gây ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường; kiên trì và quyết tâm thực hiện đạt kết quả Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp” theo NQ 09 của Tỉnh ủy và triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.
Sáu là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính đồng bộ hơn, cụ thể hơn trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng cơ quan, đơn vị và thực thi công vụ. Cải tiến lề lối, tác phong làm việc theo hướng sát việc, sát cơ sở, giảm hội họp và các hoạt động mang tính hình thức, tăng cường hành động theo phương châm: “Nói ít làm nhiều, có nghĩ mới ra, có đi mới đến, có làm mới xong”; thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền, sâu sát cơ sở, sâu sát Nhân dân, hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong thực hiện phát triển KT-XH và các kiến nghị bức xúc của Nhân dân và doanh nghiệp. Hàng năm từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải tạo ra ít nhất một nét chuyển biến mới nổi bật trong hoạt động cải cách hành chính. Tăng cường tổ chức đối thoại và hoạt động thanh tra, kiểm tra, coi đây là phương thức quan trọng bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước.
Cán bộ phường Mỹ Hương giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân. Ảnh Văn Miên
Bảy là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, có tính chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị là yếu tố quyết định chất lượng của bộ máy quản lý nhà nước các cấp. Cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền phải được đào tạo, rèn luyện có năng lực sáng tạo, quyết đoán, đột phá, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, có kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm thực tiễn để tư duy, tiếp cận và giải quyết công việc một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đặc biệt chú trọng xây dựng đạo đức người cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, có lòng nhiệt huyết, có khát vọng vươn lên và khát vọng cống hiến, tận tụy với công vụ và tận tâm phục vụ Nhân dân. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhất là khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí và đánh giá cán bộ công chức. Thực hiện rà soát, xây dựng và triển khai tốt Đề án xác định vị trí việc làm ở các cấp, các ngành, trong đó xác định cụ thể từng vị trí công việc, đảm bảo phát huy hết năng lực, sở trường, sự sáng tạo từng cán bộ, công chức, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, giảm số lượng biên chế bộ máy nhà nước theo nghị quyết của Trung ương. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phát hiện, tuyển chọn sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài để thu hút chuyên gia giỏi; tích cực chuẩn bị xây dựng môi trường sống và làm việc hấp dẫn cho đội ngũ chuyên gia nước ngoài và chuyên gia giỏi khi đến làm việc tại Ninh Thuận.
Ninh Thuận bước vào giai đoạn 2015-2020 còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển được nhận diện, có thêm thế và lực mới, niềm tin mới. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển KT-XH nhanh, bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách thu nhập so với bình quân cả nước là hoàn toàn có thể thực hiện được, góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII thực sự đi vào cuộc sống.