Mỗi kỳ Đại hội, dù ở cấp nào, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội của nhiệm kỳ trước và quyết định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ tiếp theo, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Việc xây dựng Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành khóa XII trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XIII của tỉnh tiến hành theo quy trình chặt chẽ, công phu. Được các tổ chức Đảng và toàn thể đảng viên trong toàn Đảng bộ, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân góp ý. Bên cạnh đó, có sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các bộ, ngành Trung ương. Dự thảo Báo cáo đã nêu những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân, những hạn chế, yếu kém, những bài học kinh nghiệm. Ở bài viết này, tôi xin đề cập những cảm nghĩ của mình trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh thứ XIII.
Tuyến đường ven biển (đoạn Phú Thọ-Mũi Dinh).
Ngay từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ, tình hình KT-XH trong nước gặp khó khăn, giá cả, lạm phát tăng cao, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công… Với xuất phát điểm của nền kinh tế tỉnh nhà vốn còn thấp, kết cấu hạ tầng KT-XH thiếu đồng bộ, nguồn vốn đầu tư không đáp ứng được yêu cầu. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Vấn đề dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán trên diện rộng đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy vậy, 5 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, toàn quân và Nhân dân Ninh Thuận, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, nền kinh tế tỉnh ta có bước phát triển mới, nếu không muốn nói là đã “đạt nhiều kết quả quan trọng” như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII đã đánh giá. Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển, một số ngành, lĩnh vực phát triển nhanh và tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước… Thu ngân sách vượt chỉ tiêu kế hoạch, tổng thu 5 năm 7.500 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 13,5%. Riêng năm 2015 đạt 1.800 tỷ đồng/1.700 tỷ đồng kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người từ 12,7 triệu đồng năm 2010 lên 31,2 triệu đồng năm 2015, tăng gần 2,5 lần.
Điều dễ nhận thấy là đầu tư phát triển được tăng cường theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng. Nổi bật đột phá chiến lược quy hoạch không chỉ của tỉnh được Chính phủ phê duyệt, còn có gần 100 quy hoạch khác được UBND tỉnh phê duyệt và 100% xã đã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới…
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tuy không đạt như mục tiêu đề ra nhưng cũng có tỷ lệ tăng khá 12%, ước khoảng 33.155 tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2005–2010. Nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được đầu tư cho các công trình trọng điểm. Đã hoàn thành 8 công trình thủy lợi (Hồ Lanh Ra, Sông Biêu, Bà Râu và 5 hồ chứa nước khác), 200km kênh mương và hàng chục đê kè phòng, chống lũ lụt. Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được tăng tốc đầu tư, khối lượng thực hiện gấp nhiều lần so với trước, đã tăng đáng kể mật độ đường giao thông trên diện tích tự nhiên để phục vụ phát triển kinh tế, quốc phòng-an ninh, từ 0,27km/km2 năm 2010 lên 0,36 km/km2 năm 2015. Đồng thời với việc nâng cấp, sửa chữa hơn 20 công trình giao thông đường bộ hư hỏng do mưa lũ, làm trên 116km đường liên thôn; nâng cấp 300km ở 13 tuyến đường (QL 27 B, QL 27 B đi Ma Nới, đường 705, 708, Ma Lâm-Phước Tân, Phước Chiến–Phước Thành, Liên Sơn-Hòa Sơn, Tri Thủy–Bỉnh Nghĩa–Xóm Bằng,…). Đặc biệt hoàn thành tuyến đường ven biển. Không thể tin nhưng đó là sự thật. Một tỉnh còn nghèo trong thời buổi kinh tế đất nước còn khó khăn, Ninh Thuận lại sớm có con đường ven biển dài 106km, chạy dọc ven biển. Thật khó quên eo biển Cà Ná, ngọn hải đăng sừng sững trên đỉnh núi Dinh. Con đường đôi băng qua đồi cát Nam Cương huyền thoại “gió và cát”, vắt qua cầu An Đông 16 nhịp với 4 trụ dây văng hiện đại, qua Ninh Chử, xuyên rừng Bảo tồn Quốc gia núi Chúa, rồi đến tận vịnh Vĩnh Hy và Bình Tiên. Con đường không chỉ phục vụ 2 Nhà máy Điện hạt nhân phía Bắc và phía Nam của tỉnh, mà còn mở ra và khơi dậy lợi thế ngành Du lịch biển, sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng, đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản… Có lẽ đây là con đường trọng yếu trong hệ thống giao thông đường biển đa mục tiêu, vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế các vùng ven biển, vừa khai thác tiềm năng kinh tế biển, được tỉnh xác định có tầm quan trọng không những đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh, của khu vực và cả nước, nó còn có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Tuyến đường ven biển đã mở ra tiềm năng mới, cùng với lợi thế sẵn có là một trong những yếu tố quan trọng để xác định “kinh tế biển là động lực…”.
Bài học đặt ra trong xây dựng dự án đầu tư, một tỉnh còn nghèo không nên đầu tư dàn trải. 5 năm qua, lãnh đạo tỉnh đã kiên trì, kiên quyết cắt giảm nhiều dự án: Từ 122 dự án năm 2011 còn 110 dự án năm 2012, 55 dự án năm 2013 và 35 dự án năm 2014, giảm mạnh dự án mới… Nhờ vậy, việc đầu tư phát triển được tăng cường theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của địa phương. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2015 về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh chắc chắn còn có những ý kiến khác nhau. Nhưng đều thống nhất là: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta thay da, đổi thịt từng ngày. Cùng với cả nước, Đảng bộ, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, cùng toàn dân, toàn quân trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 5 năm qua, Ninh Thuận đã có bước phát triển mới, những kết quả đó rất đáng trân trọng, tự hào!
Văn Công An