Kiểm soát việc đưa các thông tin sai trái trên báo chí

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, chiều ngày 17/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành, quy định tổ chức và hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Chương II) là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban chỉ rõ: Điều 25 Hiến pháp quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Trong khi đó dự thảo Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Thường trực Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại Phiên họp.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu quan điểm: Giải thích quyền tự do báo chí từ Hiến pháp thể chế hóa ra Luật Báo chí như thế nào là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong dự thảo Luật. “Phải chăng nên tiếp cận ở cả 2 góc độ: Quyền công dân và quyền của báo chí và nhà báo, như vậy mới đúng tinh thần Hiến pháp 2013”, bà Mai nói.

Trước vấn đề Luật quy định cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhận định: "Đây là việc khó, quá căng thẳng vì cơ quan chủ quản không đọc được nội dung trước khi báo đăng, nhất là báo mạng chỉ 5 phút sau đã đưa lên ngay".

"Vừa rồi Bộ Thông tin - truyền thông thổi còi nhiều cơ quan báo chí nhưng có thổi còi cơ quan chủ quản đâu. Vậy nếu thông qua Luật này thì có dám thổi còi cơ quan chủ quản không?”, bà Mai đặt vấn đề.

Mặt khác, bà Mai cũng tỏ ra băn khoăn: “Đạo đức nhà báo là vấn đề quan trọng, nhưng được đặt ở đâu trong toàn bộ Luật này?”. Theo đó, kiến nghị nâng cao vai trò đạo đức nhà báo, Hội nhà báo trong vấn đề đạo đức nhà báo.

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng so với nhu cầu thực tiễn thì Luật Báo chí hiện nay đã quá “chật”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng cho rằng so với yêu cầu còn quá nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh Dự án Luật. Trong đó, cần xác định lại nội hàm của quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Nhấn mạnh Dự thảo Luật phải cụ thể hóa được tinh thần Hiến pháp, công dân được quyền tự do ngôn luật và tự do báo chí. Song, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý cần cân nhắc quyền lớn nhất của công dân là quyền được luật pháp bảo hộ. “Phải chăng tự do báo chí phải hiểu là tự do trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”, ông Hiển nói.

Điều 10 dự thảo Luật kế thừa quy định về những nội dung không được thông tin trên báo chí của Luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng cho rằng quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên cần phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong Luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lại đánh giá, dự thảo Luật chưa đáp ứng được thực tế, người dân và xã hội thụ hưởng thông tin thế nào thì ta đang buông lỏng trận địa này. Do đó, đề nghị, cần kiểm soát việc đưa thông tin sai trái. Dẫn chứng các blog, hay phần phản hồi của độc giả trên các tờ báo có nội dung sai trái, nguy hiểm thì ai, cơ quan nào xử lý việc đó?.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam