Ý kiến tâm huyết hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII

Đồng chí Phạm Văn A
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh:

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đánh giá thành tựu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh sát đúng với tình hình địa phương thì Báo cáo chính trị trình Đại hội lần này cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề ra định hướng, giải pháp phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ mới.

Trước thềm Đại hội, tôi có một số đề xuất để Đại hội có thể bàn luận thêm, đó là: Trong phát triển kinh tế, cần cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản địa phương. Trong phát triển kinh tế biển, cần đầu tư, phát triển song song lực lượng tàu công suất lớn với hạ tầng cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, để kinh tế biển là động lực đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển đi lên. Đồng thời, cần hoạch định chính sách phát triển du lịch, dịch vụ để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, đưa du lịch của tỉnh xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, đáp ứng mong đợi của Nhân dân.

Ni trưởng Thích Nữ Mỹ Đức
Phó trưởng Ban Trị sự
Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo tỉnh:

Trong những năm qua, tôi cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” nhanh chóng của tỉnh nhà. Thông qua đời sống an lành của bà con phật tử, tôi hiểu rằng các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, luôn gần dân, sát dân, quan tâm giải quyết các bức xúc và nhu cầu chính đáng của Nhân dân.

Những ngày này, biết tin Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII sắp diễn ra, tôi thấy một số phật tử và tín đồ Phật giáo trong tỉnh có thái độ quan tâm rất rõ. Tất cả đều đồng tình với tôi là mong muốn Đại hội sẽ tập trung bàn nhiều hơn các giải pháp thiết thực để thúc đẩy tỉnh nhà phát triển; bầu được những người lãnh đạo tỉnh có tài, đức song toàn, hết lòng chăm lo đời sống Nhân dân từ sức khỏe, việc làm đến thụ hưởng văn hóa tinh thần. Ở góc độ của giáo hội, tôi kỳ vọng Đại hội lần này sẽ lưu ý hơn đến việc thực hiện chính sách tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động văn hóa, hoạt động thiện nguyện đóng góp xây dựng quê hương của các chức sắc và tín đồ của Giáo hội Phật giáo tỉnh theo tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.

Ông Quảng Tài
cán bộ hưu trí (xã Phước Thái, Ninh Phước)

Là cán bộ hưu trí trong cộng đồng đồng bào Chăm, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng địa bàn để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Động viên đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, đồng thời khắc phục những tập quán lâu đời lạc hậu làm cản trở bước phát triển chung của tỉnh nhà.

Đẩy mạnh phong trào Toàn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo; đặc biệt qua tâm lãnh đạo tốt hơn nữa sự nghiệp đoàn kết các dân tộc nhằm chung sức xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương giàu đẹp. Đồng thời đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, nâng cao cảnh giác, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, vốn là tài sản quý báu của các dân tộc trong tỉnh.

Đảng cũng cần quan tâm hơn nữa chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số, và đây cũng để làm đội ngũ nòng cốt của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Trương Thanh Liêm
Cán bộ hưu trí phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm):

Tôi đánh giá cao những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong 5 năm qua. Chất lượng cuộc sống nhân dân ngày càng được nâng lên; kết cấu hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông, với một số công trình lớn như cầu An Đông, tuyến đường ven biển,… được đầu tư xây dựng góp phần tích cực tạo nên diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Có được kết quả trên là do tỉnh đã có chủ trương đúng đắn, giải pháp hiệu quả, cùng sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân.

Tôi mong rằng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này sẽ đề ra được những quyết sách đúng đắn tạo bước đột phát mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khai thác tiềm năng kinh tế biển; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; quan tâm công tác giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng-an ninh… Ngoài ra, cũng cần đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ có năng lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ… nhằm nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bà Mẫu Thị Bích Phanh
Cán bộ hưu trí huyện Bác Ái:

Những ngày nay, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trên các báo, đài địa phương và thấy không khí rất sôi nổi. Theo tôi, nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, bộ mặt kinh tế, xã hội toàn tỉnh đã có đổi mới rất nhiều, trong đó có huyện miền núi Bác Ái. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng phải khẳng định Bác Ái hôm nay đã có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang; giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt đã đến với người dân; kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân đã được cải thiện hơn trước.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này, tôi tin tưởng rằng với ý chí quyết tâm cao, phát huy tinh thần đoàn kết, Đại hội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp. Tôi mong muốn Đại hội sẽ tiếp tục hoạch định các mục tiêu, giải pháp mới để đưa kinh tế- xã hội của tỉnh nhà tiếp tục đi lên. Cùng với đó là các giải pháp giúp cho người dân huyện Bác Ái tiếp tục thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đem lại hiệu quả hơn nữa trong việc giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân miền núi, để giảm dần mặt bằng chênh lệch về dân sinh, dân trí giữa các vùng, miền trong tỉnh. Tỉnh cần quan tâm công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ trên địa bàn huyện; gắn đào tạo với giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho con em đồng bào có công việc ổn định, nâng cao cuộc sống. 

Linh mục Trần Văn Hải
Quản xứ giáo xứ Triệu Phong, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn):

Nhìn lại kết quả trong 5 năm qua, tỉnh ta có những bước tiến khả quan trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Tại huyện Ninh Sơn, mối tương quan giữa các cấp chính quyền và các đoàn thể, tôn giáo luôn được gắn kết mật thiết, từ đó việc tuyên truyền trong giáo dân về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước luôn được thực hiện tốt. Trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, thiên tai, tuy nhiên đời sống đồng bào giáo dân trên địa bàn xã cũng đã có những chuyển biến và ngày một nâng cao. Nhiều hoạt động, phong trào thi đua như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình xứ đạo bình yên, công tác an sinh xã hội, vì người nghèo được bà con giáo dân tại giáo xứ hưởng ứng rất tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng địa phương ngày phát triển.