Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc

Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII dự kiến kéo dài trong 31 ngày làm việc (khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 26/11/2015).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu ý dân...

 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình nội dung kỳ họp
thứ 10, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Quốc hội sẽ cho ý kiến 11 dự án luật như: Luật Ban hành quyết định hành chính; Luật về hội; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin... Đáng chú ý, Luật Báo chí (sửa đổi) cũng sẽ lần đầu được cho ý kiến tại kỳ họp này.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Đây tiếp tục là kỳ họp có khối lượng lớn các dự án luật trình Quốc hội để góp phần hoàn thành cơ bản việc sửa đổi khung pháp lý về hoạt động tư pháp; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ xã hội, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cụ thể hóa các quyền hiến định của con người, của công dân.

Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề và xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội. Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 và trên cơ sở đó tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp cuối năm này, Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2020.

“Các báo cáo này đang trong quá trình hoàn tất việc chuẩn bị, cập nhật thông tin, số liệu để gửi đến cơ quan thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10. Các vấn đề về nhân sự và một số nội dung quan trọng khác đang được tích cực chuẩn bị”, ông Hạnh Phúc nói.

Đặc biệt, trong kỳ họp này, Quốc hội thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

So với dự kiến đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 39, dự kiến nội dung lần này được đề nghị bổ sung một số nội dung sau:

Quốc hội xem xét, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký Quốc hội.

Quốc hội xem xét Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; xem xét, thông qua Nghị quyết liên quan đến chế định thừa phát lại; xem xét, thông qua Nghị quyết về việc chấm dứt hiệu lực thi hành đối với Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Cơ bản thống nhất với nội dung chương trình kỳ họp, tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu chỉ cho ý kiến mà không thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) thì sẽ khó xác định được các vấn đề tài chính, nợ công như thế nào?

Về lấy ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, nên lấy ý kiến tại các Đoàn đại biểu rồi thư ký tổng hợp, chốt lại những vấn đề lớn để tiến hành tại tổ. Như vậy, việc lấy ý kiến sẽ sâu, đầy đủ, không mất nhiều thời gian.

Nêu rõ chương trình xây dựng pháp luật trong kỳ họp này rất nặng với nhiều luật lớn, phức tạp và có những luật nhạy cảm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn 31 ngày làm việc có đủ hay không?.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, tiếp tục rà soát nội dung chương trình, xem xét gửi các đại biểu Quốc hội trước 20 ngày đúng theo quy định.Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Không nên quá thúc ép thời gian mà ảnh hưởng tới chất lượng các dự án luật, nhất là các dự án luật quan trọng như: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam