Đến nay, thông qua thỏa thuận liên ngành giữa Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Agribank Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 438 tổ vay vốn, với 25.438 thành viên, tăng 20 tổ vay vốn và 11.740 thành viên so với năm 2010. Trong đó, Hội Nông dân thành lập được 397 tổ vay vốn, chiếm 90,6 %; Hội Phụ nữ thành lập được 41 tổ vay vốn, chiếm 9,4 %.
Lãnh đạo Agribank Ninh Thuận ký kết thỏa thuận đầu tư năm 2015
với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình. Ảnh: V.T
Trước đây, số lượng thành viên tham gia tổ vay vốn không quá 50 người, nay không còn giới hạn, vì vậy tạo cơ hội ngày càng nhiều hội viên nông dân, phụ nữ tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn 615.866 triệu đồng, tăng 379.459 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng 160%. Nguồn vốn cho vay qua tổ vay vốn nông dân, tổ vay vốn phụ nữ chiếm 24,4% trên tổng dư nợ cho vay về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chiếm 20% trên tổng dư nợ cho vay toàn chi nhánh. Trong quá trình thực hiện xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân trong xây dựng tổ liên kết và phối hợp hiệu quả đưa vốn về với người dân như: Hội Nông dân huyện Ninh Sơn, Hội Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), Hội Nông dân xã Mỹ Hải (Ninh Hải); các Tổ trưởng vay vốn phụ nữ: Nguyễn Thị Tiếu (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn); Nguyễn Thị Ngọc Ngà (xã Phước Sơn, Ninh Phước) và Võ Thị Thúy Hằng (xã Hộ Hải, Ninh Hải).
Để đưa chính sách tín dụng của Nhà nước đến với Nhân dân, ngoài việc tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp để triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Agribank Ninh Thuận tổ chức hội nghị khách hàng tại các chi nhánh ngân hàng huyện, thành phố để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ phía khách hàng để có hướng giải quyết kịp thời và tăng cường sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương. Chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp chuyển tải vốn đến các vùng nông thôn thông qua xây dựng mô hình tổ theo đúng tinh thần hợp tác thỏa thuận để đầu tư tín dụng cho các hộ tự nguyện gia nhập tổ, tạo cộng đồng trách nhiệm để giúp nhau trong sản xuất và đời sống, đồng thời có điều kiện để ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Ngân hàng đã tổ chức hướng dẫn rộng rãi hồ sơ vay vốn đến các hộ vay, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn. Nguồn vốn tập trung đầu tư vào các vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Chú trọng quản lý suất đầu tư, hạn mức tín dụng từng vùng, ngành, cây con; ưu tiên vốn đầu tư cho các hộ làm kinh tế trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông nghiệp có hiệu quả. Các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc tăng cường việc triển khai, thực hiện cho vay qua tổ vay vốn với mục tiêu đơn giản các thủ tục vay vốn; đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn đến các địa phương và từng tổ viên.
Với sự chỉ đạo xuyên suốt của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và Tổ trưởng tổ vay vốn đã tạo điều kiện để các tổ viên dễ dàng tiếp cận được vốn vay ngân hàng, đồng thời để Agribank Ninh Thuận đầu tư tín dụng đúng định hướng phát triển kinh tế ở địa phương, giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân, giảm quá tải về khối lượng công việc của cán bộ tín dụng ngân hàng, góp phần không nhỏ trong việc quản lý hoạt động tín dụng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chất lượng tín dụng cho vay qua tổ vay vốn tăng lên, tỷ lệ nợ xấu thông qua tổ vay vốn giảm từ 3,06% (năm 2010) còn 1,2% đến cuối năm 2015.
Ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank Ninh Thuận, cho biết: Trong thời gian tới, toàn chi nhánh sẽ phấn đấu tăng trưởng tín dụng hàng năm là 20%, trong đó có 70% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn liên kết. Để đạt được mục tiêu này, Agribank Ninh Thuận tăng cường hơn nữa công tác kết hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp để thành lập mới, củng cố hoạt động của các tổ liên kết theo Quyết định số 14/QĐ-NHNo-HSX ngày 9-1-2015 của Agribank Việt Nam, góp phần đưa thỏa thuận liên ngành ngày càng hiệu quả hơn. Phối hợp với Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, Trung tâm Khuyến công- Khuyến nông tỉnh đưa các mô hình sản xuất, kinh doanh tốt có thể ứng dụng tại địa bàn tỉnh đến với các tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện các mô hình cho vay theo chuỗi liên kết định hướng nông dân chọn cây, con thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khả năng quản lý... nhằm tránh thiên tai, dịch bệnh và chủ động đầu ra sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bám sát định hướng phát triển kinh tế của địa phương để có chính sách tín dụng thích hợp; tập trung ưu tiên về vốn và các chính sách ưu đãi về lãi suất cho các hộ nông dân, phụ nữ tham gia vào tổ liên kết. Thường xuyên phối hợp tuyên truyền về các chính sách tín dụng ngân hàng trong quá trình vay vốn và trả nợ ngân hàng cho các tổ viên, cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất. Củng cố kiện toàn và thành lập Tổ liên kết phù hợp với điều kiện của từng địa phương, thành viên của tổ. Ngoài các hộ vay vốn tín chấp sẽ kết nạp thêm các hộ vay có tài sản bảo đảm để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, tiến tới sản xuất hàng hóa và bao tiêu sản phẩm, nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra và nguồn vốn trả nợ ngân hàng.
Đặng Hữu