Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển kinh tế, thói quen sinh hoạt của các cư dân vùng biển; có lúc, có nơi còn thiếu quan tâm của chính quyền vùng ven biển nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển tại các cảng cá đang diễn ra và có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, hiện nay, tại tất cả các cảng cá đều có chung dấu hiệu ô nhiễm bởi lượng rác thải và nước thải. Chất lượng môi trường nước tại một số điểm quan trắc có thông số lý hóa (NH4+, NO2+) và chỉ số colifom vượt quy chuẩn cho phép.
Cảng cá Ninh Chử đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền và mua bán hải sản của ngư dân địa phương.
Ảnh: Sơn Ngọc
Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động sản xuất, kinh doanh (rửa thủy sản, rửa sàn của các cơ sở kinh doanh; bốc dỡ thủy, hải sản, thu mua và chế biến thủy, hải sản, sản xuất nước đá, kinh doanh xăng dầu và buôn bán nhỏ lẻ…), cộng với nước thải, dầu nhớt thải, rác thải rắn từ các tàu thuyền neo đậu tại cảng (thùng xốp, ngư lưới cụ hư hỏng, vật dụng sinh hoạt của ngư dân…), sinh hoạt của các hộ dân xung quanh cảng cá, thải đổ không có sự kiểm soát xuống môi trường biển.
Để bảo vệ môi trường tại các cảng cá, Ban Quản lý khai thác các cảng cá của tỉnh đã thành lập Tổ vệ sinh môi trường để thu gom rác thải hàng ngày trong khuôn viên cảng cá và dưới nước, xây dựng Trạm xử lý nước thải Cảng cá Đông Hải với quy mô 100m3/ngày đêm; thường xuyên tuyên truyền về vệ sinh môi trường đến các hộ kinh doanh, ngư dân sinh hoạt trên các tàu thuyền và các hộ sống dọc theo các bờ kè, khu vực xuống cảng. UBND các xã, phường, thị trấn tại các khu vực có có cảng cá cũng tổ chức các hoạt động thu gom rác thông qua hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường của địa phương... Tuy nhiên, với thói quen sinh hoạt của nhiều người dân vùng ven biển và các ngư dân trên các tàu thuyền đánh bắt thủy sản, rác thải và nước thải vẫn thường xuyên đổ ra môi trường biển.
Để tăng cường các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển, các ngành, các địa phương có cảng cần quan tâm một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển thông qua việc phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Đầu tư xây dựng các bãi thu gom rác thải, phương tiện vận chuyển rác thải và hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường; đổi mới công nghệ xử lý rác thải theo hướng tinh gọn, hiện đại, thân thiện với môi trường. Tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tại các cảng cá.
Thực hiện nghiêm Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm có thể xảy ra trên địa bàn.
Tăng cường công tác đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu và sự đồng thuận chung trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường biển tại các địa phương.
Đỗ Phước Vinh