Bài học từ cà phê, hồ tiêu
Hồ tiêu và cà phê Việt Nam đã đứng hạng nhất, nhì thế giới về khối lượng xuất khẩu. Tuy so sánh về giá trị không được đứng ở các thứ hạng như trên, nhưng vài năm qua giá của các mặt hàng này đều khá cao khiến người trồng cà phê, hồ tiêu đua nhau mở rộng diện tích.
Ảnh minh họa.
Thực tế này nhìn thấy rõ tại nơi có diện tích cà phê, hồ tiêu nhiều nhất nước là tỉnh Đắk Lắk.
Theo quy hoạch đến 2020, sẽ có 190.000 ha cà phê và 5.000 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay toàn tỉnh đã có gần 205.000 ha cà phê và hơn 16.000 ha hồ tiêu. Đắk Lắk chiếm 40% diện tích cà phê của cả vùng Tây Nguyên và 30% diện tích cà phê của cả nước, với sản lượng trên 450.000 tấn cà phê nhân/năm.
Thống kê của Đắk Lắk cho thấy ngành hàng cà phê, hồ tiêu của tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, củng cố quốc phòng trên địa bàn.
Đặc biệt, cà phê, hồ tiêu là những mặt hàng đóng góp trên 20% tổng thu ngân sách địa phương. Đời sống người dân ở các vùng trồng cà phê, hồ tiêu của tỉnh đã từng bước được cải thiện. Tỉ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng lên, số hộ nghèo giảm nhanh. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng từ nguồn thu xuất khẩu cà phê như điện, đường, trường, trạm, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống…
Đó là những lý do hoàn toàn phù hợp để người làm quản lý địa phương tạm “lơ” đi con số quy hoạch trong 5 năm tới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Tuy vậy, thực tế việc tăng trưởng “nóng” của cây cà phê, hồ tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch về diện tích dẫn đến những hệ lụy như rừng bị tàn phá, thu hẹp dần, đất bị rửa trôi... Cùng với đó, phần lớn diện tích cà phê, hồ tiêu trồng ngoài vùng quy hoạch đều xa nguồn nước hoặc không chủ động được nguồn nước, trồng trên những vùng đất không thích hợp, dùng giống không rõ nguồn gốc nên thường bị dịch bệnh, năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn mất trắng hàng trăm triệu đồng do vườn cà phê thiếu nước tưới, bị chết khô hoặc các vườn tiêu bị các bệnh chết nhanh, chết chậm.
Ngay trong mùa khô năm 2015 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã có 47.835 ha cà phê bị thiếu nước tưới làm chết vườn cây hoặc khô cành. Đây chủ yếu là những diện tích nằm ngoài vùng quy hoạch, gây thiệt hại cho nông dân hàng nghìn tỉ đồng.
Trong nỗ lực “chữa cháy” tình trạng này, vừa qua tỉnh Đắk Lắk đã ra một nghị quyết chuyên đề về phát triển cà phê bền vững và phấn đấu đến năm 2020 giảm diện tích cà phê xuống còn 170.000 ha, hằng năm đạt sản lượng từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên.
Quy hoạch cần dựa trên nguồn lực
Trong lúc những diện tích cà phê, hồ tiêu ngoài quy hoạch vẫn đang ngày một già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kém dần, nguồn nước trở nên khan hiếm, thì người nông dân vẫn đang loay hoay, cố gắng vớt vát mỗi mùa vụ. Chính quyền địa phương cũng chỉ có thể tập trung vào biện pháp tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc trồng tái canh bằng các giống mới để mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt yêu cầu xuất khẩu.
Câu chuyện ở Đắk Lắk chưa có hồi kết nhưng cũng cho thấy sự phối hợp thực hiện quy hoạch ngành còn nhiều bất cập. Ngay trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng chia sẻ rất nhiều về phương án nâng cao giá trị sản xuất là “liên kết bốn nhà”.
Theo ông Cao Đức Phát, trong vấn đề liên kết bốn nhà, vai trò chính được xác định là doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp lại chưa thực sự mặn mà đầu tư vào nông nghiệp, bởi trong bối cảnh nông thôn hiện nay, quy mô tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp rất khó khăn khi liên kết với hàng chục nghìn hộ nông dân.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để thúc đẩy liên kết bốn nhà, cần có sự tham gia quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên đến nay chưa đến 10 tỉnh, thành phố làm được điều này.
Có lẽ bởi trong quy hoạch ngành của Bộ NN&PTNT chưa thể chi tiết được đến các phương thức huy động nguồn lực, lợi ích kinh tế-xã hội khi các đối tác đầu tư nguồn lực vào quy hoạch. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có quy hoạch hầu hết các cây, con chủ lực nhưng việc thực thi vẫn còn là một khoảng cách.
Chưa nói đến tinh thần thượng tôn pháp luật, rõ ràng việc giám sát thực thi quy hoạch đang còn nhiều lúng túng bởi Bộ NN&PTNT không thể “quản” trực tiếp từng diện tích đất canh tác trong khi địa phương cũng có sức ép an sinh cho người dân từng ngày từng giờ. Quy hoạch, nói nôm na là vẽ ra bộ mặt cho tương lai, nhưng bộ mặt ấy có thành hay không lại do thực thi.
Quay trở lại với Dự thảo Luật Quy hoạch, một dự luật được trông chờ sẽ xóa bớt cơ chế “xin-cho” để tạo môi trường thuận lợi cho quy luật phát triển sản xuất theo tín hiệu thị trường cũng cần được nhìn nhận khách quan và kỹ càng trước khi quyết định.
Nguồn www.chinhphu.vn